Để phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu, tiềm năng phát triển nông - lâm nghiệp, du lịch, tỉnh Lạng Sơn đã áp dụng nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn, tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh cởi mở. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đã chia sẻ với Tạp chí Vietnam Business Forum về những nội dung trên. Ngô Khuyến thực hiện.
Ông có thể đánh giá một số kết quả nổi bật trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Lạng Sơn những năm gần đây?
Công tác thu hút đầu tư luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, thống nhất từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tăng cường vận động, xúc tiến hoặc tham mưu UBND tỉnh tiếp xúc, làm việc, mời gọi một số nhà đầu tư chiến lược, uy tín như VinGroup; SunGroup; Tổng công ty xăng dầu Quân đội... Hiện nhiều nhà đầu tư lớn như các tập đoàn: FLC, TH, Apec, TNG... cũng đang quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Sở cũng đã xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Danh mục dự án thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2018 - 2020, đồng thời tập trung nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; thiếp lập các kênh thông tin và xác định rõ đối tác tiềm năng là nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...để kết nối thu hút vào tỉnh. Sở còn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh. Đồng thời tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư tìm hiểu pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường và cơ hội… và đồng hành với các nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án.
Từ sự nỗ lực đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào Lạng Sơn; các dự án đầu tư tăng về cả số lượng và quy mô. Cụ thể trong 5 năm 2014-2018, tỉnh đã quyết định chủ trương, cấp chứng nhận đầu tư cho 183 dự án DDI mới với số vốn 33.862 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 234,68 triệu USD. Đến nay, Lạng Sơn thu hút được một số dự án lớn như: Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà phố thương mại; Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; dự án đầu tư hạ tầng Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1... 5 năm qua, Lạng Sơn cũng đã có 1.500 DN thành lập mới, đưa tổng số toàn tỉnh có 2.701 DN với số vốn đăng ký 21.868 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa tương xứng tiềm năng và kỳ vọng của chính quyền tỉnh. Nhiều lĩnh vực có lợi thế vẫn chưa được phát huy và thu hút nhiều dự án đầu tư; số dự án FDI ít về số lượng và quy mô khiêm tốn. Các dự án có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ và năng lực quản lý còn ở mức thấp, chưa đủ lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhiều chủ đầu tư có năng lực hạn chế nên dự án không phát huy hiệu quả như mong đợi.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019, dự kiến tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận và ký biên bản ghi nhớ cho trên 100 dự án với tổng vốn đầu tư trên 80 nghìn tỷ đồng. Theo ông, những dự án này có ý nghĩa thế nào với quá trình thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh hiện nay?
Các dự án dự kiến trao quyết định đầu tư và trao biên bản ghi nhớ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019 cùng với các dự án đã và đang đầu tư sẽ là một nhân tố để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án đến với Lạng Sơn. Các dự án không chỉ đơn thuần là hút nguồn vốn của nhà đầu tư cho nền kinh tế, mà điều đặc biệt quan trọng là thu hút được chuyên gia giỏi, tiếp thu được công nghệ mới, hiện đại, cách thức quản lý tốt, quy trình sản xuất kinh doanh tiên tiến, đạt năng suất cao, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Qua đó, tạo ra thị trường rộng lớn, giải quyết việc làm, tăng thu thập cho người lao động và tăng thu ngân sách tỉnh, tạo nên sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ về KT - XH.
Một vài chia sẻ của ông về kết quả đạt được trong cải cách hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư?
Tháng 1/2019 tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lạng Sơn nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ hành chính công cho tổ chức, cá nhân thuận lợi, nhanh chóng, tiện ích.
Tỉnh đã ban hành Quyết định số 1863/QĐ-UBND ngày 25/9/2018 về bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính áp dụng cho việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hằng năm đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đã thành lập Tổ tiếp nhận thông tin, trả lời kiến nghị của DN, duy trì đường dây nóng phản ánh ý kiến về quy định hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; thành lập và công khai đường dây nóng trên trang website các sở, ban, ngành nhằm kịp thời nắm bắt phản ánh để xử lý, giải đáp hướng dẫn DN kịp thời.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thường xuyên các hội nghị gặp mặt, đối thoại với DN hằng năm nhằm tiếp thu và xử lý kịp thời các kiến nghị của DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh... Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Phối hợp với các cơ quan Thuế, Công an tiếp tục hoàn thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm phục vụ người dân và DN hiệu quả nhất.
“Đề án phát triển DN tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019-2025” đã được UBND tỉnh thông qua với nhiều mục tiêu, giải pháp hỗ trợ DN, được kỳ vọng sẽ tạo “xung lực” mới cho các DN , nhà đầu tư. Một vài chia sẻ của ông xung quanh vấn đề này?
“Đề án phát triển DN tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019-2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1642/QĐ-UBND ngày 23/8/2019. Đề án đã đánh giá đúng thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, những nút thắt đang cản trở sự phát triển của DN, từ đó đề ra những chính sách và giải pháp hỗ trợ để phát triển DN, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trên địa bàn.
Quan điểm nhất quán của tỉnh: Phát triển DN tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao và phát triển ổn định. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực sản xuất. Có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư của tỉnh, làm cơ sở tập trung hình thành và phát triển một số DN lớn để thúc đẩy, tác động lan tỏa cho sự phát triển DN, ngành, lĩnh vực liên quan.
Một số mục tiêu đặt ra: Bình quân có 500 DN đăng ký thành lập mới/năm; phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 6.500 DN; Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 300 DN có mức vốn trên 100 tỷ đồng, trong đó có 8-10 DN có mức vốn từ 500 -1.000 tỷ đồng; tỷ lệ đóng góp của khối DN vào ngân sách nhà nước bình quân hằng năm tăng trên 15%.
Nhân dịp Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019, ông có chia sẻ hoặc nhấn mạnh điều gì?
Năm 2019 được tỉnh Lạng Sơn chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Lạng Sơn sẽ dồn nguồn lực tương xứng nhất cho công cuộc hỗ trợ các nhà đầu tư, các DN, các startup. Tỉnh luôn xác định DN phải là đối tác được phục vụ trên tinh thần bình đẳng giữa các loại hình DN, để Lạng Sơn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư có tiềm lực, các startup có khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Trân trọng cảm ơn ông!
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI