QUẢNG BÌNH

Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai

11:15:45 | 28/7/2020

Tỉnh Quảng Bình đã và đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ “điểm nghẽn” về đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Nâng cao chỉ số “Tiếp cận đất đai”

Tiếp cận đất đai là giai đoạn có tính quyết định đối với các dự án, cũng là yếu tố quan trọng tác động đến sự “hài lòng” của nhà đầu tư với chính quyền địa phương. Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Quảng Bình đã có nhiều giải pháp để tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần “Tiếp cận đất đai” trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đẩy mạnh, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo đó năm 2019, điểm chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh đạt 6,53 điểm, tăng 0,39 và tăng 5 bậc so với năm 2018. Để có kết quả trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung rà soát khắc phục những hạn chế, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai.

Cụ thể, trước hết, phương án điều chỉnh quy hoạch đã ưu tiên tăng tỷ lệ quỹ đất sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ nhiều hơn so với hiện trạng và phương án quy hoạch trước đây đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 34/NQ-CP (đất khu công nghiệp tăng 2.604,27 ha, đất thương mại dịch vụ tăng 3.672,41 ha, đất phát triển hạ tầng tăng 6.287,09 ha).

Chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định suất đầu tư tối thiểu cho từng vùng, từng loại hình dự án. Qua đó, tạo thuận lợi để nhà đầu tư xác định mục tiêu, năng lực đầu tư và quy trình thực hiện đối với các dự án; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC về đất đai so với quy định.

Về bồi thường GPMB, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ ở mức tối đa cho phép, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân. Tỉnh quy định thêm một số chính sách hỗ trợ khác phù hợp với địa phương, được vận dụng linh hoạt, làm cơ sở cho việc thỏa thuận bồi thường đối với các dự án đầu tư không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Qua đó, tạo sự đồng thuận của người dân, ít xảy ra khiếu kiện và đẩy nhanh tiến độ trong công tác GPMB.

Về thủ tục thu hồi đất, định giá đất, tổ chức GPMB, để thuận lợi, rút ngắn thời gian, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ủy quyền kịp thời cho UBND cấp huyện thực hiện, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm từng sở, ngành, địa phương. Về phía Sở, kịp thời giải quyết các vướng mắc về GPMB khi UBND cấp huyện, nhà đầu tư kiến nghị.

Thu hút đầu tư đảm bảo bền vững

Những năm qua, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Bình tập trung ưu tiên các dự án phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên. Trước hết, tỉnh Quảng Bình luôn nhất quán các dự án thu hút đầu tư phải phù hợp với chủ trương phát triển bền vững của tỉnh, có công nghệ hiện đại, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng; chú trọng chất lượng dòng vốn đầu tư...

Đặc biệt, là địa phương có nhiều tiềm năng và đang quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh không chấp thuận các dự án phát sinh nhiều chất thải, có nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cảnh quan tự nhiên. Khuyến khích và ưu tiên các dự án phát triển năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, điện gió, tái chế rác thải…

Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường như: báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường để có cơ sở thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường cụ thể, phù hợp và khả thi. Đồng thời triển khai nghiêm túc các yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng cũng như hoạt động của dự án theo đúng quy định.

Không chỉ các dự án sản xuất công nghiệp, Quảng Bình cũng rất quan tâm tới mức độ tác động đến môi trường khi phát triển các dự án đầu tư về du lịch. UBND tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp, người dân hình thành mô hình du lịch vừa đảm bảo thu nhập cho người dân, đồng thời gắn với nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (như phát triển loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái…).

Nguồn: Vietnam Business Forum