QUẢNG TRỊ

Nông thôn mới ở vùng đất thép

10:38:14 | 24/6/2020

Là một tỉnh nghèo, khó khăn khi bắt đầu xây dựng NTM (các xã chỉ đạt trung bình 5-7 tiêu chí, hạ tầng thiếu thốn, tổ chức sản xuất, thu nhập người dân thấp) nhưng nhờ những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự vào cuộc trong việc triển khai thực hiện NTM, đến nay, vùng nông thôn của tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu thu được những “trái ngọt”.

Đi lên từ cơ sở

Để cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ra Thông báo số 605-TB/TU yêu cầu các cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý không nghỉ ngày thứ Bảy hằng tuần, mà tới các địa phương để đôn đốc xây dựng nông thôn mới và các dự án động lực. Trước đó, Tỉnh ủy Quảng Trị cũng ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU (ngày 20/4/2017) về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, các phong trào “Ngày thứ Bảy vì nông thôn mới”, “Ngày thứ Bảy vì các dự án động lực” triển khai thời gian qua đã thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức. Đó là không chỉ làm việc trong giờ hành chính, mà thứ Bảy, Chủ Nhật cũng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đây là dịp để mỗi cán bộ có thêm thực tế, được rèn luyện, thử thách, cùng tháo gỡ khó khăn với cơ sở.

Trong thời gian tới phấn đấu có khoảng 55 – 60% số thôn bản khó khăn thuộc các xã khó khăn, biên giới thuộc đề án 1385 đạt chuẩn NTM. Và trong giai đoạn xa hơn (2025 – 2030), sẽ phấn đấu có 85% các xã, thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM. Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn các cấp. Từ đó xây dựng kế hoạch triển khai cho từng năm và cả giai đoạn. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Xác định phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. "Với những xã đã đạt chuẩn, chúng tôi sẽ thường xuyên cho rà soát nhằm duy trì, nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Đảm bảo các xã đạt chuẩn phải thực chất, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Không chạy theo thành tích, không nợ đọng xây dựng cơ bản. Làm sao để xã NTM thực sự trở thành những miền quê thanh bình, đáng sống. Ông Hùng chia sẻ

 “Trái ngọt” từ Nông thôn mới

Xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện 40km về phía Nam. A Dơi có đồng bào các dân tộc: Pa Cô, Vân Kiều, Kinh... cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào Vân Kiều, chiếm 65,3% số dân toàn xã. Tiếp chúng tôi, đồng chí Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi, cho hay: "Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện vẫn còn tới 46%, xã mới đạt 9/19 tiêu chí xây dựng NTM. Năm 2020, xã cố gắng phấn đấu đạt 16 tiêu chí NTM, riêng hai thôn Đồng Tâm và Khánh Thành phấn đấu đạt chuẩn NTM cấp thôn, bản". Rồi đồng chí Chủ tịch UBND xã kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn trong xây dựng NTM ở một xã biên giới. Đó là cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đi lại khó khăn; kinh tế phát triển chưa đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Việc huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là rất khó huy động nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp và huy động nội lực từ nhân dân…Chúng tôi ghé thăm nhà anh Lý Văn Chinh, thôn Đồng Tâm, người có hơn 1ha cao su. Anh Chinh cho hay, nhờ trồng cao su, gia đình anh đã có tiền để xây dựng ngôi nhà khang trang, vững chãi. Mỗi năm, chỉ tính riêng tiền bán mủ cao su, gia đình anh thu được khoảng 50-60 triệu đồng. Chỉ về phía con đường bê tông trước nhà, anh Chinh bảo: "Con đường này được xây dựng trong chương trình NTM. Nó giúp bà con thoát cảnh lầy lội của đường đất và việc thu hoạch, vận chuyển bán cao su, hàng hóa nông sản trở nên thuận lợi hơn".

Về tới Vịnh Mốc vùng đất thép năm xưa giờ đây là một trong những nơi đi đầu về thực hiện xây dựng NTM của tỉnh Quảng Trị. Đồng chí Nguyễn Đức Điền, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thạch (huyện Vĩnh Linh) phấn khởi cho hay: Xã Kim Thạch mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Thạch từ tháng 3-2020… "Chúng tôi xác định để xây dựng NTM bền vững, thực chất thì người dân phải có việc làm, tăng được thu nhập. Vì thế, xã chúng tôi đã xác định phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tập trung vào những cây, con có lợi thế của địa phương như: Cao su (500ha), hồ tiêu (280ha) phù hợp với đất đỏ bazan; chăn nuôi bò, đẩy mạnh ngư nghiệp", đồng chí Nguyễn Đức Điền phân tích.

 Anh Dương Văn Tài, thôn An Lễ, xã Kim Thạch đưa chúng tôi đi thăm vườn tiêu rộng hơn 1ha sắp cho thu hoạch và khoe: "Năm nay, gia đình tôi thu hoạch khoảng 3 tấn hồ tiêu, bán được khoảng 150 triệu đồng. Cùng với đó, các loại cây khác như nén, môn, lác, gia đình tôi thu được khoảng 300 triệu đồng". Theo anh Tài, chương trình NTM làm bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khang trang, sạch, đẹp. "Đó là niềm tự hào của xã chúng tôi", anh Tài nói.

Duy Anh (Vietnam Business Forum)