Bằng sự chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, thực hiện của ngành Giao thông - Vận tải (GTVT) và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại.
Nỗ lực mở đường rộng, xây cầu lớn
Đó là dấu ấn nổi bật của Ngành GTVT Quảng Bình đã để lại trong 5 năm 2016-2020. Đến nay, Quảng Bình đã thực hiện nhiều dự án trọng điểm, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội như: Các dự án mở rộng Quốc lộ 1, cầu Nhật Lệ 2, đường tỉnh 565, đường Mai Thủy-An Thủy (huyện Lệ Thủy)… Điều quan trọng là Ngành GTVT tỉnh đã tiến bộ vượt bậc về năng lực thi công, có thể đảm nhiệm triển khai nhiều công trình quy mô lớn, có kỹ thuật, công nghệ cao, nhất là việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ xây dựng cầu treo và cầu dây văng nhịp lớn có kết cấu, công nghệ xây dựng hiện đại như cầu Nhật Lệ 2.
Bên cạnh các tuyến huyết mạch tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung, tỉnh cũng quan tâm đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường đô thị tại thành phố Đồng Hới đồng thời lắp đặt các cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các vị trí giao cắt trên địa bàn các thị trấn, thị xã, thành phố để hướng dẫn, phân luồng giao thông đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Quảng Bình còn thực hiện nhiều giải pháp huy động tối đa các nguồn lực phát triển hệ thống giao thông nông thôn (GTNT); tiến hành sửa chữa định kỳ, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến Quốc lộ 9B, 12A, 15 và các tuyến đường tỉnh, đồng thời phối hợp với Bộ GTVT để thực hiện dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) với quy mô bao gồm 11 tuyến đường dài 55km và 22 cầu dân sinh với chiều dài 1.723m; bảo dưỡng 3.086km đường huyện…
Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện để sớm đưa vào sử dụng như: Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; đề xuất bổ sung đầu tư xây dựng, nâng cấp các cầu, cống có hoạt tải dưới 30 tấn để đảm bảo khai thác đồng bộ mạng lưới các tuyến đường tỉnh.
UBND tỉnh còn làm việc với các bộ, ngành Trung ương để đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường quan trọng như: Cao tốc Bắc - Nam (phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình); xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 9B đoạn Quán Hàu - Vĩnh Tuy và Ngã ba Vạn Ninh - Ngã ba Tăng Ký; Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn...
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn trong 5 năm qua, Quảng Bình đã xây dựng mới, nâng cấp 1.989km đường bộ; xây mới 78 cầu với tổng chiều dài 3.976m; 2.663 cống với chiều dài 15.584m; 16 tràn với chiều dài 559m. Cho đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 9.377km đường bộ gồm 905 km quốc lộ, 490 km đường đô thị, 763 km đường huyện, 2.114 km đường xã, 4.680 km đường thôn, xóm và nội đồng cùng 54 km đường chuyên dùng. Hiện 100% số xã đã có đường ô tô về đến trung tâm xã; đã có 95/128 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Phát triển đa dạng loại hình vận tải
Cùng với hệ thống đường bộ, Quảng Bình cũng quan tâm phát triển hệ thống đường biển, đã phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam để đầu tư nâng cấp, nạo vét khơi thông luồng lạch luồng hàng hải cảng Hòn La; phối hợp với các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Hòn La (giai đoạn 2). Đến nay, Quảng Bình có bờ biển dài 126km, hệ thống cảng biển gồm: Cảng Gianh tiếp nhận tàu đến 1.000DWT; cảng Hòn La tiếp nhận cỡ tàu đến 15.000 DWT (đang xây dựng giai đoạn 2 để tiếp nhận tàu đến 30.000 DWT) với các tuyến vận tải biển quốc tế và nội địa.
Ngành GTVT Quảng Bình cũng phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khai thác hiệu quả tuyến Đường sắt Bắc - Nam hiện có. Hiện tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc, đi qua hầu hết các huyện, thành phố thuộc tỉnh với chiều dài 174,5km.
Sở GTVT còn phối hợp, tham mưu xúc tiến mở thêm các đường bay mới cả quốc tế lẫn nội địa như: Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan) từ ngày 11/8/2017, Đồng Hới - Cát Bi (Hải Phòng) từ ngày 29/4/2017 và chuẩn bị mở đường bay Đồng Hới - Liên Khương (Đà Lạt).
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phạm Quang Hải nhấn mạnh: Với phương châm phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, của các bộ ngành, Quảng Bình đã thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Chuẩn bị bứt phá trong tương lai
Để các tuyến đường bộ đảm bảo thông suốt, phát huy tính hiệu quả, Quảng Bình sẽ phối hợp với Bộ GTVT xúc tiến để sớm triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình, đồng thời mở rộng, nâng cấp các quốc lộ nhu cầu vận tải lớn như: Quốc lộ 12A (đoạn Khe Ve - Cha Lo; đoạn tránh thị xã Ba Đồn), Quốc lộ 9B (hình thành tuyến kết nối mới sang Lào qua cửa khẩu Chút Mút - Lạ Vin và tuyến vận tải từ Xa Vẳn Na Khẹt về cảng Hòn La); mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu; xây dựng cầu Nhật Lệ 3 kết nối cửa ngõ Tây Nam thành phố ra biển; đầu tư cầu và đường nối khu vực phía bắc huyện Quảng Trạch đến Xuân Trạch, Bố Trạch xuống Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm kết nối các khu du lịch trọng điểm của tỉnh…
Cùng với triển khai tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch được duyệt (trước mắt ưu tiên đầu tư đoạn Lý Hòa - Quang Phú), tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ cứng hóa hệ thống GTNT; huy động nguồn lực để xây dựng các cầu vượt sông, suối, giải quyết tình trạng cô lập của các thôn bản vùng sâu, vùng xa, bãi ngang cồn bãi.
Tỉnh cũng nâng cấp cảng Gianh đảm bảo tiếp nhận cỡ tàu 2.000 DWT; tăng cường việc nạo vét thông luồng các cửa biển, bảo đảm thuận lợi cho phương tiện vận tải và hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, bảo đảm công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Tỉnh còn phối hợp với Bộ GTVT trong việc nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà Khẹc - Viêng Chăn.
Ngoài ra, ngành GTVT Quảng Bình sẽ đề nghị tăng thêm số các chuyến bay trên các chặng đang khai thác Đồng Hới - Hà Nội và Đồng Hới - TP.Hồ Chí Minh, đồng thời phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới đạt công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm.
Nguồn: Vietnam Business Forum