CẦN THƠ

Đón đầu Hiệp định EVFTA: Doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi liên kết bền vững

10:17:13 | 23/9/2020

Việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói..., góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Xung quanh vấn đề này,  ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã có chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum. Duy Bình thực hiện.

EVFTA đã đi vào thực thi, là doanh nghiệp xuất khẩu gạo uy tín, ông đánh giá như thế nào về cơ hội của doanh nghiệp nông sản Việt Nam?

EVFTA thực sự sẽ là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm gỗ…

Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Vì thế, Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.

Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm), đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả...

Có thể nói Hiệp định EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tham ra một “Sân chơi đẳng cấp”, nơi mà doanh nghiệp phải tự khẳng định mình, phải tự ý thức rằng, không chỉ xây dựng thương hiệu cho chính doanh nghiệp mà là đang xây dựng một thương hiệu quốc gia.

Có những quan điểm cho rằng việc xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, hợp tác xã tại Việt Nam hiện chưa bền vững. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, vẫn còn nhiều nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường. Do đó, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Trong thời gian gần đây, ở nhiều nơi đã hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân trong các ngành hàng nông lâm thuỷ sản… Với việc Chính phủ, Bộ ngành đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ được ban hành; điểm đáng chú ý, trong vài năm trở lại đây, ở Việt Nam đã và đang hình thành các chuỗi phát triển theo 3 cấp độ: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm địa phương. Nhằm tập trung nguồn lực phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp chủ lực quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp quốc gia để định hướng ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP với 13 sản phẩm chủ lực gồm gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, rau, quả, sắn và sản phẩm từ sắn, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm và gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ đã và đang dần hoàn thiện. Đặc biệt là chuỗi giá trị lúa gạo đã được Bộ NNPTNT phát động, triển khai từ 10 năm nay, và cũng có nhiều địa phương, doanh nghiệp, HTX và nông dân tham gia thực hiện. Tuy nhiên do cơ chế chính sách thiếu giải pháp cụ thể về nguồn vốn nên chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp đồng thương mại đến xây dựng thương hiệu gạo vẫn còn rất mờ nhạt!

Đối với Trung An, doanh nghiệp đã chuẩn bị nắm bắt cơ hội EVFTA mang lại như thế nào, thưa ông?

Tại Công ty Trung An, không phải đến khi có hiệu lực EVFTA công ty mới có kế hoạch đưa sản phẩm đi vào châu Âu mà Công ty đã tiến hành sự chuẩn bị để đưa sản phẩm của Công ty vào các thị trường khó tính như châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, Singapore,… từ năm 2011.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu từ thị trường Châu Âu, Trung An đã tập trung triển khai chương trình cánh đồng mẫu lớn theo mô hình liên kết do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo. Hình thức liên kết trực tiếp với người nông dân theo phương thức đôi bên cùng có lợi “nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp”. Tính đến nay, Công ty tự hào là một trong những đơn vị được Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn chọn làm hình mẫu về phát triển cánh đồng mẫu lớn tại Đồng bằng Sông Cửu Long để nhân rộng ra các vùng miền khác.

Để xuất khẩu hết hạn ngạch mà EU đã cấp và phát triển tăng số lượng cao hơn nữa cho những năm tiếp theo thì ngành hàng lúa gạo Việt Nam chỉ có con đường duy nhất là sản xuất canh tác theo hướng bền vững; phải gắn với yêu cầu của thị trường! Nói cụ thể hơn là: Thực hiện cánh đồng lớn liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.

Với mục tiêu xuất khẩu gạo theo những sản phẩm mà Trung An quản lý được chất lượng, qua đó tạo giá trị cho sản phẩm, cho đến nay, Trung An đã phát triển được 30.000 ha diện tích cánh đồng đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng của mình.

Đặc biệt hơn, Trung An đang dành riêng 6.000 ha tại Kiên Giang (trong đó có 800 ha là đất của Công ty) phát triển vùng nguyên liệu lúa GlobalG.A.P. và lúa Hữu cơ để đáp ứng nhu cầu khách hàng khó tính về chất lượng (100% không có dư lượng thuốc BVTV trong gạo). Đến nay 615 ha tại khu vực này đã được tổ chức quốc tế cấp Chứng chỉ GlobalG.A.P. và 100 ha cấp Chứng chỉ Organic của Mỹ và Châu Âu. Tùy theo nhu cầu thực tế của thị trường, diện tích GlobalG.A.P. và Organic sẽ được mở rộng thêm trên những ha còn lại. Một điểm đáng lưu ý, khác biệt so với các cánh đồng của nông dân khác, 800 ha đất của Công ty vốn là rừng tràm nguyên sinh, được Trung An giữ nguyên hiện trạng và khai thác trồng lúa Organic và lúa GlobalG.A.P từ năm 2015. Chính vì vậy, 700ha còn lại có thể đáp ứng đạt chuẩn canh tác Organic bất cứ lúc nào, chứ không mất thời gian cải tạo đất 3 năm như những cánh đồng truyền thống khác.

Với những bước chuẩn bị như vậy, ngay đầu tháng 7/2020, Trung An đã xuất khẩu thành công 3 container gạo mang thương hiệu của Trung An (TRUNG AN RICE) vào thị trường Pháp; dự kiến trong tháng 8/2020 gạo của Trung An sẽ có mặt trên các kệ hàng siêu thị của đối tác. “Đây là lần đầu tiên, có một sản phẩm gạo mang thương hiệu nhãn mác Việt Nam đặt trên các kệ hàng, trực tiếp đến tay người tiêu dùng Châu Âu”. Và cũng trong tháng 8/2020 Bộ NNPTNT cùng Đại sứ EU và Đại sứ CHLB Đức sẽ đến Công ty Trung An để chứng kiến công ty xuất khẩu lô hàng 3.000 tấn vào châu Âu được hưởng thuế xuất 0% theo Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực!

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum