“Những năm gần đây, Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp: Củng cố đội ngũ CBCNV, đổi mới sắp xếp lại tổ chức công việc; chủ động tìm kiếm khách hàng mới; mở rộng, cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ;... qua đó hoạt động kinh doanh ngày càng mở rộng và hiệu quả, phát huy vai trò của Cảng Cần Thơ đối với sự phát triển vùng ĐBSCL.” - Ông Nguyễn Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ cho biết. Đức Bình thực hiện.
Một vài chia sẻ của ông về kết quả kinh doanh năm 2019; trước ảnh hưởng của dịch COVID 19 trong đầu năm 2020, Công ty đã có những giải pháp nào?
Trong năm 2019, Cảng Cần Thơ đạt được kết quả vượt bậc: Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 2.011,706 tấn, tăng 18,77% so năm 2018; doanh thu đạt 125 tỷ đồng, tăng 26,32%; lợi nhuận đạt 3,9 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm qua. Cảng Cần Thơ đã liên kết với nhiều hãng tàu trong, ngoài nước để phát triển các chuỗi dịch vụ logistics, nổi bật là chuỗi container rơm từ Cảng Sóc trăng đi khu vực miền Trung với sản lượng 100 TEU/tháng. Cảng cũng tiếp tục đầu tư mở rộng thêm kho hàng tổng hợp 3.000m2 nâng tổng diện tích kho chứa đạt 35.000m2, cao nhất vùng.
Bước sang năm 2020, do tác động của đại dịch COVID 19 nên nguồn hàng khan hiếm, vận tải suy giảm mạnh, hàng hóa thông qua cảng giảm 15,56% so cùng kỳ năm 2019 (đạt 926.800 tấn) nhưng Cảng vẫn duy trì doanh thu đạt 57,315 tỷ đồng. Có được kết quả trên là nhờ Cảng Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường hỗ trợ khách hàng thông qua giảm giá dịch vụ xếp dỡ, cung cấp các dịch vụ chuỗi, dịch vụ gia tăng tại kho bãi để giảm chi phí; phối hợp với các hãng tàu phát triển các chuỗi dịch vụ logistics hàng xuất nhập khẩu qua cảng… và đặc biệt vào tháng 6/2020, Cảng đã tổ chức khai trương cần cẩu chân đế 40 tấn tầm 28m có khả năng phục vụ tàu container chuyên dụng 600-1000 TEUs tại Cảng Cái Cui, tạo tiền đề quan trọng để phát triển các lines tàu/tuyến sà lan container về khu vực ĐBSCL.
Những năm qua, Công ty đã triển khai những giải pháp cụ thể nào nhằm phát huy vai trò của Cảng Cần Thơ đối với sự phát triển vùng ĐBSCL?
Nhiều năm qua, Cảng Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp để phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn nhà nước và các cổ đông. Cụ thể, Ban lãnh đạo Cảng thường xuyên đóng góp ý kiến với TP và các Bộ, ngành để có chính sách phù hợp phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng đường biển và đường thủy nội địa cùng các chính sách giá dịch vụ tại cảng biển. Cảng cũng phối hợp với các hãng tàu, đơn vị forwarder phát triển dịch vụ logistics thông qua các bến cảng trực thuộc, nhất là hàng container để hỗ trợ doanh nghiệp luân chuyển hàng; đồng thời đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sau cảng và lắp đặt trang thiết bị tăng cường năng lực xếp dỡ, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ngoài ra, Cảng đã đẩy mạnh tái cấu trúc mô hình hoạt động; áp dụng công nghệ trong điều hành khai thác cảng và quản lý; chú trọng bảo vệ môi trường tại cảng; cải thiện điều kiện và quan tâm để nhân viên học tập, phát triển chuyên môn nghiệp vụ.
Với việc số hóa ảnh hưởng đến tất cả các ngành công nghiệp trên toàn cầu và ngành logistics. Tại Cảng Cần Thơ, vấn đề số hóa đã và đang được triển khai ra sao?
Hoạt động số hóa và quản lý trên nền tảng công nghệ số là yêu cầu cơ bản, cấp bách của từng quốc gia, ngành công nghiệp, địa phương. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp và nhất là ngành logistics, tài chính cũng đang là một trong những ngành đi đầu về việc áp dụng số hóa, quản lý thông tin quy mô lớn (Big Data), liên kết vạn vật (IoT), tự động hóa kết hợp trí tuệ nhân tạo, và áp dụng robot vào quy trình vận hành…
Trong 3 năm qua, Cảng Cần Thơ đã đưa vào áp dụng phần mềm quản lý khai thác cảng; các hoạt động tại cảng cơ bản đã được số hóa, từ khâu đầu vào (các lệnh sản xuất) đến đầu ra (hóa đơn điện tử). Việc áp dụng phần mềm đã tạo đẩy nhanh việc xác nhận dịch vụ tại cảng, tiếp nhận hóa đơn dịch vụ thông qua email. Khách hàng không cần đến cảng để làm thủ tục làm hàng hay nhận hóa đơn cung cấp dịch vụ. Tất cả thông tin liên quan đến hoạt động của cảng đều được ghi nhận, cập nhật trên phần mềm phục vụ cho công tác quản lý khai thác cảng và kết nối thông tin với các cơ quan như Hải quan, Thuế,…
Thời gian tới, Cảng Cần Thơ tiếp tục đưa phần mềm quản lý hàng container vào vận hành để đáp ứng các yêu cầu trao đổi thông tin giữa các hãng tàu, đơn vị logistics quốc tế đối với cảng nhằm phát triển các depot container, tạo tiền đề để thu hút phát triển các lines tàu, chuỗi dịch vụ logistics hàng xuất nhập khẩu thông qua cảng.
Nhằm nắm bắt tốt các cơ hội khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước EU, ASEAN..., Công ty đã chuẩn bị tâm thế ra rao?
Logistics là ngành được hưởng lợi đầu tiên trong vấn đề hội nhập do hàng hóa được thuận lợi lưu thông; việc phát triển các chuỗi logistics sẽ dễ dàng hơn. Với vai trò cảng biển tổng hợp vùng ĐBSCL, đầu mối khu vực loại I của vùng, Cảng Cần Thơ đã, đang thực hiện các giải pháp để hội nhập mạnh mẽ. Đó là việc đầu tư cần cẩu, thành lập depot container, thu hút mở các lines tàu, tuyến vận tải container... tạo tiền đề để Cảng Cần Thơ phát huy vai trò cửa ngõ của vùng. Cảng cũng đã ký kết MOU với Cảng tự trị Phnom Penh để phát triển tuyến sà lan container trên sông Mekong từ khu vực cảng PhnomPenh đến bến cảng Cái Cui để chuyển tải sang phương thức vận tải bằng đường biển.
Là cảng biển lớn nhất vùng ĐBSCL, Cảng Cần Thơ hiện đang khai thác hai bến cảng biển là Cảng Cái Cui và Cảng Hoàng Diệu với tổng diện tích cầu cảng 667m có khả năng tiếp nhận tàu 20.000dwt và tổng diện tích mặt bằng hơn 28ha. Ngoài ra, Cảng Cần Thơ đang khai thác 01 cảng sông Sóc Trăng với 200m với diện tích mặt bằng 02 ha. |
Hiện Cảng Cần Thơ đang kêu gọi các doanh nghiệp logistics quốc tế tham gia hợp tác đầu tư, vận hành khai thác hệ thống hạ tầng kho, bãi quy mô lớn, hiện đại, tạo tiền đề và niềm tin để các doanh nghiệp logistics tiếp tục đầu tư tại Trung tâm logistics cấp II của vùng tại TP Cần Thơ với quy mô 242,4ha ngay sau bến cảng Cái Cui. Cảng Cần Thơ là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp hội cảng biển Việt Nam, thường xuyên phối hợp với các thành viên hiệp hội tổ chức các sự kiện giao lưu giữa các cảng beienr thành viên Hiệp hội cảng biển Đông Nam Á (APA).
Ông đánh giá như thế nào về công tác cải cách thủ tục hành chính của chính quyền TP Cần Thơ trong việc đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh, đề nghị TP phát huy cao hơn nữa việc đồng hành với doanh nghiệp cụ thể: Tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm cải tạo luồng hàng hải vào các cảng biển trong vùng; đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút phát triển doanh nghiệp logistics quốc tế thâm gia đầu tư vào Trung tâm logistics cấp II của vùng tại TP Cần Thơ; tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua các cảng biển trong vùng.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI