Đình Lập là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn. Được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên đất, rừng và khí hậu, ngành lâm - nông nghiệp là thế mạnh trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Những chuyển biến tích cực
Giai đoạn 2015 – 2020, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội, các sở, ban, ngành… cùng với sự đoàn kết thống nhất, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển, cơ sở hạ tầng được tăng cường, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến đáng kể. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên; quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững…
Huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất các loại cây thế mạnh như: Vùng trồng chè (thị trấn nông trường Thái Bình, Lâm Ca, Thái Bình), vùng trồng thông (Bính Xá, Kiên Mộc, Bắc Xa, Cường Lợi, Đình Lập), vùng trồng keo (Châu Sơn, Bắc Lãng), cây dược liệu (Sa nhân, Ba kích, Chè hoa vàng…) được trồng rải rác ở các xã. Một số mô hình chăn nuôi bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng (mô hình Vịt cổ xanh, Gà Tiên Yên, chăn nuôi bò bán chăn thả…). Phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế đồi rừng đã và đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện, bình quân hàng năm trồng rừng được 1.270 ha, nâng độ che phủ rừng từ 56% năm 2015 lên 76,2% năm 2020. Đến nay, huyện đã có 4 sản phẩm được chứng nhận đạt từ 3-4 sao theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (sản phẩm chè Ô Long và Chè Bát Tiên đạt 4 sao, Bún Ngô và Vịt cổ xanh đạt 3 sao). Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh so với nhiệm kỳ 2010-2015, đến năm 2020 đạt 36,7 triệu đồng (năm 2015 đạt 16,8 triệu đồng).
Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, triển khai tích cực. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đến nay huyện Đình Lập có 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Số tiêu chí bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã, tăng 8,5 tiêu chí so với năm 2015, có 3 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận, 14/27 thôn biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông: Đến năm 2020, tỷ lệ cứng hóa đường đến trung tâm xã đạt 90%, tăng 20% so với năm 2015; tỷ lệ thôn cứng hóa đường đến trung tâm thôn đạt 74%, tăng 30% so với năm 2015. Các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ dân cư ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, tăng 13% so với năm 2015. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,34%, tăng 4,32% so với năm 2015. Tỷ lệ tưới tiêu chủ động cho diện tích đất trồng lúa đạt 52,17%, tăng 3,47% so với năm 2015. Kết quả thu ngân sách nhà nước hàng năm đều đạt và vượt so với dự toán được giao, bình quân hàng năm tăng 17%.
Đình Lập có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý nhờ hai trục quốc lộ 4B và 31 chạy qua trung tâm huyện; phía Tây Bắc giáp huyện Lộc Bình, phía Đông Bắc giáp Trung Quốc với đường biên giới dài 51,2 km, phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh và phía Tây Nam giáp tỉnh Bắc Giang. Huyện còn có tiểu vùng khí hậu thích hợp cho phát triển các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như: thông, chè, hoa hồi, đinh, lim,... và nhiều cây dược liệu quý như: mộc nhĩ, nấm hương, sở,... Diện tích đồng cỏ khá lớn, mật độ cỏ che phủ đạt hơn 70%, rất phù hợp cho phát triển chăn nuôi đại gia súc. |
Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, quan tâm lồng ghép các nguồn vốn tập trung cho công tác giảm nghèo. Tổng số các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất (Chương trình 135, NQ 30a, QĐ 06/2017-UBND tỉnh) là 44,2 tỷ đồng, hỗ trợ cho 103 mô hình và 10.569 lượt hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 41,94% năm 2015 giảm xuống còn 12,26% năm 2020, bình quân hàng năm giảm 5,94%.
Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt, theo đó rà soát cắt giảm những thủ tục không cần thiết, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Quan tâm xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến, 100% cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn sử dụng chữ ký số, chứng thư số, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục của cá nhân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Giai đoạn 2020-2025, huyện Đình Lập tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện quan tâm phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại, thu hút đầu tư vào các dự án như: Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Bính Xá với quy mô 195 ha; Dự án chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Lâm Ca, quy mô 60.000 con/năm...
Huyện cũng chú trọng phát huy tiềm năng đất đai, lợi thế kinh tế đồi rừng để phát triển lâm nghiệp, đưa lâm nghiệp trở thành kinh tế trọng tâm, phát triển rừng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường và nguồn lực đầu tư. Trong đó, tập trung vào các cây trồng chủ lực, cây gỗ lớn (như: thông, keo, bạch đàn), quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng để nâng cao giá trị, lợi thế cạnh tranh và sản phẩm gỗ.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của huyện Đình Lập giai đoạn 2020 – 2025 - Huyện Đình Lập phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới, trong đó có 3 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. |
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI