THÁI BÌNH

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Thái Bình: Quyết liệt tạo hiệu quả thiết thực

06:37:16 | 24/11/2021

Thực hiện khâu đột phá “Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thái Bình đã, đang quyết liệt vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp, hoạt động tiếp tục tháo gỡ những “nút thắt” về môi trường đầu tư, kinh doanh; bước đầu tạo những hiệu quả thiết thực. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình. Song Uyên thực hiện.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Bình thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả đạt được và đâu là yếu tố đem lại sự thành công này?

Trong năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tại nhiều địa phương trong cả nước gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Codid-19 tác động tiêu cực, tỉnh Thái Bình cũng không ngoại lệ. Tuy vậy với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh đã được một số kết quả khả quan, cụ thể: vào ngày 01/9/2021, tỉnh Thái Bình đã tổ chức thành công Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 05 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD, trong đó có 03 dự án FDI có quy mô lớn với tổng vốn đăng ký 395 triệu USD, gồm Dự án đầu tư nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam, Dự án đầu tư nhà máy Greenworks Thái Bình Việt Nam (tại KCN Liên Hà Thái) và Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, phòng tắm, đèn chiếu sáng trong nhà, ngoài trời và đồ nội ngoại thất tại KCN Tiền Hải. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã phê duyệt chủ trương, điều chỉnh hoặc cấp, điều chỉnh chứng nhận đầu tư 59 dự án (30 dự án mới và 29 dự án điều chỉnh) với tổng vốn đăng ký đầu tư mới và tăng thêm trên 16.723 tỷ đồng (gấp 4,5 lần số vốn đầu tư so cùng kỳ năm 2020).

Phải khẳng định rằng đối với một số tỉnh, thành phố trong nước, những con số trên không hẳn lớn nhưng với tỉnh Thái Bình lại hết sức có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, trong 20 năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã thu hút được 94 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 900 triệu USD và hạn chế lớn của các dự án đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh là hầu hết đều có quy mô nhỏ, chủ yếu thuộc lĩnh vực gia công, sử dụng nhiều lao động. Nhưng chỉ 3 dự án FDI được trao giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 01/9/2021 đã có giá trị gần bằng nửa 20 năm trước (với 395 triệu USD). Hơn thế, đây là một trong các dự án FDI đầu tiên đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình; địa bàn được tỉnh xác định là trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. 

Có được kết quả này trước hết nhờ Thái Bình có nhiều lợi thế từ tình hình an ninh chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch bệnh covid-19, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn. Bên cạnh đó, xác định cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt tới các cấp, ngành, các cơ quan hành chính của tỉnh, tích cực đổi mới sáng tạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả cải cách hành chính và tạo được những chuyển biến tích cực. 

Hơn thế, những năm qua, công tác thu hút đầu tư được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, thống nhất từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các cấp chính quyền địa phương. Tỉnh đã ban hành, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ thu hút đầu tư; rà soát, điều chỉnh lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vào KCN, CCN phù hợp thực tế. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư được triển khai linh hoạt, đồng thời UBND tỉnh luôn chủ động trong các hoạt động tiếp xúc, làm việc, mời gọi nhà đầu tư; sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án.

Nhờ sự nỗ lực trên, chỉ số PCI của tỉnh đã cải thiện đáng kể, tăng đều qua các năm, môi trường kinh doanh cởi mở hơn và được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm; chính điều đó đã đưa Thái Bình trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Cả hệ thống chính trị trên địa bàn đang quyết tâm vào cuộc nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khơi thông tiềm năng, nguồn lực đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Đồng bằng sông Hồng. Vậy quyết tâm, nỗ lực này đang được thể hiện ra sao, thưa ông?

Để thực hiện thành công mục tiêu đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh đã chỉ ra 7 “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội gồm: Giải phóng mặt bằng  (GPMT) nhiều dự án chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và thu hút đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay; chính sách pháp luật của Nhà nước, cơ chế chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch còn bất cập; hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là những dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu và nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.

Trong 7 “điểm nghẽn” trên, tỉnh xác định công tác GPMB cho các dự án chậm là vấn đề nổi cộm, cần nhanh chóng tháo gỡ. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 05/7/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 18/8/2021 thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU ngày 05/7/2021 và Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 18/8/52021 tổ chức phong trào thi đua "Đẩy mạnh tiến độ thực hiện GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh"; đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai. Bằng sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của cả hệ thống chính trị nên đến nay, công tác GPMB có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều ”nút thắt” tồn tại từ lâu như: Khu tập thể 4-5 tầng phường Lê Hồng

Phong, đường Chu Văn An, đường Đinh Tiên Hoàng,… và các dự án trọng điểm như: Dự án KCN Liên Hà Thái, dự án KCN Thaco, dự án đường từ TP.Thái Bình đi Cầu Nghìn… đã, đang được đẩy nhanh tiến độ GPMB để các dự án sớm triển khai, kịp tiến độ.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn” về kết cấu hạ tầng giao thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy nhanh công tác tham mưu, thực hiện hiệu quả các đề án, dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như: Tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ TP.Thái Bình đi cầu Nghìn, đường ĐT.462 (đường 221A), đường ĐT.454 (đường 223), hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình và một số tuyến giao thông quan trọng khác… 

Ngoài ra Tỉnh còn đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận tiện tối đa cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách quản lý, khuyến khích, thu hút đầu tư…

Tỉnh luôn quán triệt sâu sắc, vận dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ và quyết liệt trong việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” nhằm khơi thông mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển trong những năm tới.

Năm 2020, chỉ số Gia nhập thị trường của tỉnh đạt 8,95 điểm, tăng 2,25 điểm so năm 2019, xếp 2/63 tỉnh, thành phố và chỉ số này luôn khá cao so với các chỉ số thành phần khác. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã, đang tham mưu, thực hiện giải pháp nào nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn các chỉ số thành phần của PCI tỉnh Thái Bình trong thời gian tới?

Trong thời gian gần đây, tỉnh Thái Bình đã rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông bảo đảm nguyên tắc “Một cửa - Một đầu mối”. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện giải quyết TTHC “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. 100% sở, ngành đã đăng ký thực hiện quy trình giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm, đồng thời đã rà soát, cắt giảm bình quân gần 50%% lượng thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. 

Nguyễn Quốc Huy 
Tổng Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ - Vinacomin (Micco)

Micco đầu tư Nhà máy sản xuất Amon Nitrat tại tỉnh Thái Bình từ năm 2011, đến năm 2015 đưa vào vận hành thương mại với công suất 200 nghìn tấn/năm, hiện sản xuất đạt 170 – 180 nghìn tấn/năm, dự kiến năm 2022 sản xuất 100% công suất.

Những năm qua, Nhà máy luôn được chính quyền, người dân trong tỉnh ủng hộ, tạo mọi thuận lợi trong hoạt động. Lãnh đạo tỉnh đã luôn quan tâm, động viên, trực tiếp xuống nhà máy thăm hỏi và sẵn sàng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời.

Bên cạnh thuận lợi, theo tôi môi trường đầu tư tại Thái Bình vẫn còn hạn chế: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nhất là các tuyến đường còn nhỏ hẹp, thiếu bến bãi, phương tiện vận tải,... khiến việc xuất khẩu hàng hoá khó khăn. Các doanh nghiệp mong muốn tỉnh quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm đã, đang triển khai bởi đó chính là huyết mạch, động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư vào Thái Bình... 

Nhờ sự nỗ lực trên, công tác giải quyết TTHC, hoàn thiện hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện khá nhanh: Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư được công khai và thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chỉ mất 1,5 ngày; nhiều hồ sơ đề nghị thay thay đổi đăng ký doanh nghiệp được giải quyết ngay trong ngày làm việc. Thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư được cắt giảm còn 56,25% so với quy định. Việc giải quyết các loại “giấy phép con” sau khi doanh nghiệp được thành lập (liên quan đến các vấn đề về thuế, bảo hiểm, xây dựng, chứng chỉ hành nghề…) cũng được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện, cơ bản đều đã rút ngắn được thời gian thực hiện.

Có được kết quả trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, các huyện, thành phố, không chỉ trong công tác cải cách TTHC, đảm bảo công khai, minh bạch mà còn nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của cán bộ chuyên môn. Nhờ cải cách, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC và sự nỗ lực, tận tình của từng cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ nên số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh ngày càng tăng. 

Với sự vào cuộc đồng bộ, triển khai thực hiện nhất quán, quyết liệt của các cấp, ngành trong công tác cải cách TTHC và nâng cao năng lực, thái độ phục vụ của cán bộ nên đã cải thiện về chỉ số gia nhập thị trường; trong đó có 6/10 chỉ tiêu PCI có sự tăng điểm, tăng bậc, chính là minh chứng cho thấy sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu để Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp để giữ vững, tăng điểm chỉ số PCI. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum