QUẢNG TRỊ

Tiếp sức doanh nghiệp vượt khó

08:13:27 | 14/12/2021

Ngành Ngân hàng Quảng Trị thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp với thị trường nên việc huy động vốn, tăng trưởng tín dụng đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, huy động vốn đến ngày 15/10/2021 đạt 28.991 tỷ đồng, tăng 9,99% so cuối năm 2020; tổng dư nợ cho vay đạt 40.928 tỷ đồng, tăng 4.250 tỷ đồng, tăng 11,59% so cuối năm 2020; nợ xấu ở mức 455 tỷ đồng, chiếm 1,11% dư nợ. Các ngân hàng tập trung đầu tư các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch...

Để đồng hành với người dân, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tín dụng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế". Cụ thể trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cuối tháng 9/2021 tiếp tục giảm so với tháng 12/2020.

Kết quả đến ngày 30/9/2021, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gồm: Số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế là 833 tỷ đồng với 844 khách hàng; số dư nợ được miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 211 tỷ đồng với 821 khách hàng, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 670 triệu đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với dư nợ 8.759 tỷ đồng cho 29.632 khách hàng, số tiền lãi được hạ 35,23 tỷ đồng (giảm từ 0,5 - 3%/năm). Từ ngày 23/01/2020 đến 30/9/2021, các TCTD đã cho vay mới hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh đạt 18.747 tỷ đồng.

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, đến ngày 15/10/2021 dư nợ cho vay các doanh nghiệp 12.779 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,22% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

Chương trình cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Ngân hàng Chính sách triển khai tích cực; đến ngày 15/10/2021 đạt 1,14 tỷ đồng (07 doanh nghiệp với 213 lao động). Việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội được đẩy mạnh với tổng dư nợ cho vay đến ngày 15/10/2021 đạt 3.347 tỷ đồng, tăng 319 tỷ đồng so cuối năm 2020, gồm: Dư nợ hộ nghèo 341 tỷ đồng; hộ cận nghèo 785 tỷ đồng; giải quyết việc làm 312 tỷ đồng; đối tượng xuất khẩu lao động có thời hạn 06 tỷ đồng; học sinh sinh viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 158 tỷ đồng; sản xuất - kinh doanh thuộc vùng khó khăn 520 tỷ đồng; hộ nghèo về nhà ở 2 tỷ đồng; thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn 2 tỷ đồng; hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung 18 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 401 tỷ đồng;…

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cùng với các TCTD đã phối hợp với UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp doanh nghiệp có điều kiện về tiềm lực tài chính để chống chọi với tác động của đại dịch đến sản xuất - kinh doanh.

Nguồn: Vietnam Business Forum