Những năm gần đây, Quảng Trị đã tạo được dấu ấn quan trọng về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Đặc biệt, các khu kinh tế (KKT); khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đang tích cực “dọn đường” cho doanh nghiệp (DN) đến đầu tư với nhiều điểm cộng hấp dẫn. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quang Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Trị. Nguyễn Dũng thực hiện.
Một vài chia sẻ của ông về bức tranh các KKT, KCN tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 02 KKT và 05 KCN nằm trong quy hoạch phát triển các KCN, KKT ở Việt Nam, bao gồm: KKT - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) là mô hình KKT cửa khẩu đầu tiên được thành lập tại tỉnh (năm 1998), KKT Đông Nam Quảng Trị (huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh) là KKT ven biển được thành lập năm 2015 để tạo động lực phát triển của địa phương và khu vực miền Trung; KCN Nam Đông Hà (thành phố Đông Hà), KCN Quán Ngang (huyện Gio Linh), KCN Tây Bắc Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh), KCN Quảng Trị (VSIP, huyện Hải Lăng), KCN đa ngành Triệu Phú (huyện Triệu Phong thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị).
Đến nay, với nguồn kinh phí xây dựng chủ yếu từ ngân sách Trung ương và nguồn kinh phí bổ sung từ ngân sách của tỉnh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước tại KKT - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, KCN Nam Đông Hà và KCN Quán Ngang đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Hiện tại, KCN Nam Đông Hà đã thu hút được 37 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 90%; KCN Quán Ngang thu hút được 20 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 83%; tại các khu quy hoạch tập trung tại KKT - Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã thu hút được 70 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 80%.
KKT Đông Nam Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên 23.792ha được thành lập theo Quyết định số 42/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/9/2015. Hiện nay, KKT này đang tích cực triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng để tạo cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài đã đến tìm hiểu và tiến hành các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện dự án trọng điểm.
Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với 03 dự án đầu tư phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN bao gồm: KCN Quảng Trị (chủ đầu tư: liên doanh các nhà đầu tư VSIP - Amata - Sumitomo), KCN Tây Bắc Hồ Xá (chủ đầu tư: Công ty cổ phần Quang Anh Quảng Trị) và KCN đa ngành Triệu Phú (chủ đầu tư: Công ty cổ phần Trung Khởi). Hiện nay các nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục có liên quan để triển khai thực hiện dự án trong Quý I, Quý II năm 2022.
Như vậy, so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Trị có bức tranh về KCN, KKT khá đa dạng và khá sôi động với các mô hình KCN, KKT cửa khẩu và KKT ven biển, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Ông có thể cho biết kết quả thu hút đầu tư của các KKT, KCN và tình hình hoạt động của DN trong những năm gần đây?
Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tăng cường công tác quản lý đầu tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT), hỗ trợ đồng hành cùng DN để tạo những bước phát triển. Chính vì vậy, diện mạo tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đã có những khởi sắc và chuyển biến tích cực, tình hình thu hút đầu tư sôi động hơn, tăng cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư.
Luỹ kế đến nay tại các KCN, KKT có 179 dự án đầu tư đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 230.038,86 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tổng vốn đầu tư là 2.860 triệu USD; có 116 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 10.318,92 tỷ đồng; 62 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Riêng trong năm 2021, đã có 10 dự án đầu tư mới được cấp Quyết định chủ trương đầu tư vào KCN, KKT với tổng vốn đăng ký đầu tư là 63.081,928 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban đang hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư cho 41 dự án với tổng vốn dự kiến đăng ký là 237.670 tỷ đồng, trong đó có một số dự án động lực, quy mô lớn của các tập đoàn, DN trong và ngoài nước đầu tư vào KKT Đông Nam của tỉnh.
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), các dự án đầu tư của các DN tại các KCN, KKT ngày càng phát huy hiệu quả và có tỷ trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng tăng. Hàng năm các chỉ tiêu về doanh thu, giá trị sản xuất công nghiệp, thu nộp ngân sách địa phương đều tăng trên 10% so với năm trước.
Năm 2019, tổng giá trị SXKD đạt 5.500 tỷ đồng (tăng 13,4% so với năm 2018), nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 420 tỷ đồng (tăng 14,4% so với năm 2018); tổng số lao động tại các KCN, KKT là 7.000 người, thu nhập bình quân hàng tháng 6 triệu đồng/lao động.
Năm 2020 và năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên hoạt động SXKD của nhiều DN bị ảnh hưởng. Việc nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu, xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn, các DN chỉ hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất, các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và nộp ngân sách đều giảm sâu.
Trong năm 2020, doanh thu của các dự án đầu tư tại các KCN, KKT đạt 4.500 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 315 tỷ đồng, tổng số lao động tại các KCN, KKT vẫn duy trì ở số lượng 7.000 người, thu nhập bình quân hàng tháng 6,2 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2021 hoạt động SXKD của nhiều DN có nhiều dấu hiệu hồi phục sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 về ứng phó an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Tổng doanh thu năm 2021 ước đạt là 5.200 tỷ đồng, nộp NSNN ước đạt 490 tỷ đồng; tổng số lao động là 7.400 người, thu nhập bình quân hàng tháng 6 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút trực tiếp từ bên ngoài, thời gian qua, Ban còn tích cực triển khai nhiều giải pháp, hoạt động “xúc tiến tại chỗ”; “xúc tiến trực tuyến”. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Công tác XTĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ XTĐT truyền thống như tổ chức hội nghị, hội thảo, cung cấp thông tin tài liệu cho các nhà đầu tư, Ban còn tiến hành hoạt động XTĐT tại chỗ bao gồm các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai dự án; hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư đang triển khai hoạt động SXKD để giải quyết các thủ tục về đầu tư, sản xuất, lưu thông hàng hóa; tuyển dụng lao động đặc biệt là chuyên gia, lao động nước ngoài; hướng dẫn các DN xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 vừa xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp để thực hiện mục tiêu kép, mở rộng chính sách tiêm vaccine cho toàn thể người lao động trong KCN, KKT để bảo đảm an toàn cho DN và người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Đối với hoạt động “xúc tiến trực tuyến”, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và cả nước diễn biến phức tạp, việc đi lại cực kỳ khó khăn, Ban đã xây dựng phương án xúc tiến trực tuyến, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất thiết yếu, phòng họp trực tuyến để tổ chức làm việc, họp trực tuyến đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước để giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi tại các KCN, KKT; tham mưu UBND tỉnh, các bộ ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án về thủ tục đầu tư, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng,... Việc tổ chức xúc tiến trực tuyến được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý và nhà đầu tư, DN.
Với quyết tâm cải cách cùng những chính sách hỗ trợ hợp lý cho nhà đầu tư và DN, hy vọng trong thời gian tới KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục là điểm đến cho các nhà đầu tư. Trong tương lai không xa, với làn sóng đầu tư mới, các KCN, KKT sẽ có những đóng góp tích cực hơn, ấn tượng hơn, hiệu quả hơn để xứng đáng là động lực, đòn bẩy cho sự phát triển của tỉnh Quảng Trị, sớm đưa tỉnh nhà đạt trình độ phát triển trung bình cao của cả nước như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum