HỒ CHÍ MINH

TP.HCM tạo sinh khí mới để thu hút đầu tư

08:16:01 | 11/2/2022

Sau những kết quả tích cực trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 gần đây, TP.HCM bước vào năm mới với quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm củng cố vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.


Tương lai xán lạn đang rộng mở nếu TP.HCM có thể tận dụng tốt tính năng động và nhân tài của thành phố. 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2021 tăng khoảng 9%, đạt 31,15 tỉ đô la Mỹ. Dẫu phải gánh nhiều hậu quả nặng nề từ đại dịch, TP.HCM vẫn thu hút lượng vốn FDI ấn tượng, đạt 3,74 tỉ đô la Mỹ (giảm 14,2% so với năm trước) và xếp thứ ba cả nước sau Hải Phòng và Long An – hai địa phương nhận lượng đầu tư lớn cho các siêu dự án hạ tầng.

Không thể đánh giá thấp vai trò của TP.HCM đối với Việt Nam và khu vực trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Khoảng 25% hoạt động kinh tế của cả nước diễn ra tại đô thị này, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 6.900 đô la Mỹ – cao hơn gấp đôi mức trung bình quốc gia, và khoảng 10% dân số cả nước sinh sống tại đây.

Giờ là lúc lãnh đạo TP.HCM cùng các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức phi chính phủ nên xem xét hướng phát triển tiếp theo của thành phố trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cũng như thu hút nhân lực đang diễn ra gay gắt trên toàn khu vực. Và xét trong ngắn hạn, đâu là bài học kinh nghiệm mà thành phố có thể rút ra từ những gián đoạn trong đại dịch?

Ưu tiên phát triển cụm ngành

Theo Giáo sư Michael Porter (Đại học Harvard), yếu tố chính quyết định năng lực cạnh tranh của các thành phố là khả năng tạo ra được các “cụm ngành” nhất định. Nghiên cứu chứng minh tầm quan trọng của việc đặt các công ty tham gia chuỗi giá trị trong từng ngành ở gần nhau. Ví dụ, công ty nghiên cứu và phát triển y tế nếu được đặt gần công ty sản xuất dược phẩm và công ty phân phối dược phẩm thì sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Các công ty này thậm chí còn có thể hợp tác chặt chẽ với một trường đại học dược cận kề. Nếu xét về khía cạnh then chốt này, TP.HCM đang làm rất tốt.

Thách thức đối với thành phố là làm thế nào để tiếp tục đà xây dựng các cụm ngành. Chẳng hạn, Khu Công nghệ cao TP.HCM được các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân xác định là một cụm để tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển phần mềm và sản xuất có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, thành phố vẫn cần xem xét nhiều hơn đến việc phát triển các cụm khác để tăng sức hấp dẫn của nơi này đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đã có những ý kiến thảo luận cho rằng nên xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính khu vực, tuy nhiên ý tưởng này có thể vấp phải một số thách thức trong trung hạn. Thành phố có thể cân nhắc xây dựng cụm ngành du lịch, không chỉ bao hàm các khách sạn mà còn nhiều bên cung cấp dịch vụ liên quan cho ngành này như tư vấn kinh doanh, kiến trúc, đào tạo và phát triển, hay thậm chí là các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ vệ sinh cá nhân dùng trong khách sạn. Mặc dù ngành này gần như ngưng trệ trong hai năm qua, du lịch dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2022 và sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi giá trị du lịch.

Nhìn chung, có nhiều cơ hội để TP.HCM xây dựng nhiều cụm ngành bài bản hơn dựa trên lợi thế về lực lượng lao động, quyết tâm chinh phục tương lai của lãnh đạo thành phố và giới doanh nghiệp, cũng như cơ sở hạ tầng vẫn liên tục được cải thiện.


Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị tại Đại học RMIT 

Hướng tới nền kinh tế tri thức và thành phố thông minh

Nghiên cứu hàn lâm cho thấy những thành phố thu hút được “lao động tri thức” sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn những thành phố không thể tạo ra môi trường thích hợp cho lao động tay nghề cao và sáng tạo.

Trong cuốn sách “Sự trỗi dậy của tầng lớp sáng tạo”, nhà kinh tế học Richard Florida đã chỉ ra rằng trong kỷ nguyên hậu công nghiệp, các thành phố phát triển và thu hút đầu tư bằng cách chuyển đổi trọng tâm từ các ngành nghề sang kiến tạo môi trường đô thị nơi các kiến trúc sư, chuyên viên tư vấn, nhân viên ngân hàng, nghệ sĩ, học giả, hay lập trình viên máy tính, muốn chuyển đến sinh sống và có thể làm việc hiệu quả.

TP.HCM cần giải quyết hai thách thức chính về mặt chính sách. Một là làm thế nào để đưa ra các chính sách công làm cơ sở thu hút lao động tri thức ưu tú nhất. Hai là làm thế nào để thực hiện mục tiêu trở thành “thành phố thông minh” – vừa sử dụng cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn, vừa bền vững về mặt môi trường và gia tăng năng lực đổi mới của thành phố.

Tương lai của thành phố sẽ xán lạn nếu tính năng động của vùng đất này lẫn tài năng của người dân nơi đây có thể chuyển hoá vào nhiều ngành nghề sáng tạo hơn, và nhận được sự hỗ trợ của các cụm ngành vững chắc, cơ sở hạ tầng thông minh cũng như đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn xa.

Chuẩn bị đón nhận đầu tư công nghệ cao

Các nhà đầu tư nước ngoài thường bày tỏ quan ngại về mặt bằng kỹ năng mềm chung của lực lượng lao động Việt Nam, bao gồm khả năng làm việc theo nhóm và giao tiếp hiệu quả, song các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thì lại chủ yếu xem xét đến các kỹ năng cứng.

Thành phố đã đào tạo được bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT trên đầu người trong những năm qua? Có bao nhiêu chương trình đại học về khoa học vật liệu, CNTT, tính toán lượng tử hoặc kỹ thuật sinh học? Đây là những câu hỏi đặt ra khi mà TP. Hồ Chí Minh đang rất cần lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ.

Việc bồi dưỡng lực lượng lao động tay nghề cao đòi hỏi phải có sự góp mặt của các trường đại học hàng đầu, cũng như những cách khác để đào tạo và nâng cao kỹ năng của đội ngũ nhân tài hiện có. Bên cạnh đó, cần xem xét tạo ra môi trường đô thị có khả năng thu hút và giữ chân lao động tri thức. Các môi trường điển hình mà TP.HCM có thể xem xét kiến tạo bao gồm kết hợp giữa môi trường nhân tạo (như đường phố, công sở, v.v.) với môi trường tự nhiên (công viên, rừng, v.v.), và một đô thị sôi động với các hoạt động ngoài trời và đời sống văn hóa phong phú.

Ngoài khía cạnh đầu tư về vốn con người, các công ty công nghệ nước ngoài còn mong muốn được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Họ không sản xuất "tài sản hữu hình" như áo sơ mi hay linh kiện xe hơi, mà là "tài sản vô hình" như mã máy tính, ứng dụng điện thoại, hoặc công nghệ mới để sản xuất năng lượng sạch. Các nhà đầu tư công nghệ cần một khuôn khổ ổn định và có thể dự đoán nhằm đảm bảo với họ rằng quyền sở hữu của họ với các tài sản vô hình được bảo hộ. TP.HCM nên thực thi nghiêm túc tất cả các quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và cho các công ty công nghệ thấy rằng tài sản quan trọng của họ được bảo vệ.

TP.HCM đang đi đúng hướng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ. Điển hình là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất thế giới (xét theo diện tích) của Intel được đặt tại TP.HCM và gần đây đã nhận được khoản đầu tư thêm 475 triệu đô la Mỹ. Thành phố cũng đang trở thành trung tâm thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp về lập trình máy tính. Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải đẩy sự năng động này lên một tầm cao mới.

Nguồn: DDDN