Do có sự chủ động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị huyện Ân Thi, cùng công tác tuyên truyền, vận động “thấu tình, đạt lý” nên đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, nhất là nơi thực hiện quy hoạch, triển khai dự án…
Trong đó, đơn cử đối với Dự án khu công nghiệp sạch (tổng diện tích 143, 08ha ở 2 huyện Khoái Châu và Ân Thi). Riêng phần diện tích 127,38ha ở xã Xuân Trúc do huyện Ân Thi chịu trách nhiệm, chỉ trong vòng 60 ngày đã cơ bản chi trả xong tiền bồi thường, di dời và từng bước bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư mà không phải dùng biện pháp cưỡng chế với bất kỳ hộ dân nào.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Ân Thi cởi mở cho biết: Tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1070/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN sạch tại tỉnh Hưng Yên. Dự án có quy mô là 143,08ha được thực hiện tại xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu và xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1788,59 tỷ đồng (tương đương 76,912 triệu đô la Mỹ). Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 357,718 tỷ đồng (tương đương 15,382 triệu đô la Mỹ). Thực hiện dự án, bởi 5 nhà đầu tư là Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Tập đoàn phát triển Hạ tầng và Đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài, Công ty xây dựng KBI, Ngân hàng Shinhan. Theo đó, riêng đối diện tích đất 127,38ha nằm ở xã Xuân Trúc do huyện Ân Thi chịu trách nhiệm, chỉ 60 ngày (từ ngày 05/12/2021 - 5/02/2022), đã cơ bản chi trả xong tiền bồi thường, di dời và từng bước bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư mà không phải dùng biện pháp cưỡng chế với bất kỳ hộ dân nào.
Bởi, ngay khi có chủ trương và chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND huyện Ân Thi và trực tiếp là xã Xuân Trúc đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc quy hoạch, thực hiện Dự án khu công nghiệp sạch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, cơ bản các hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất, bị ảnh hưởng đều đồng thuận cao với chủ trương triển khai dự án. Đại đa số các gia đình đều đồng tình, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các phòng, ban chuyên môn của huyện Ân Thi tiến hành thực hiện đầy đủ các bước; từ khâu kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, chuẩn bị cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư theo quy định.
Cùng với đó, huyện Ân Thi đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban chức năng và xã Xuân Trúc tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là đối với các thôn trong vùng triển khai dự án. Đồng thời, các ngành, đoàn thể, các xã có đất nằm trong khu vực triển khai dự án đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu về chủ trương của Nhà nước và các chính sách bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng nên các hộ dân luôn tích cực phối hợp, sẵn sàng bàn giao mặt bằng khi nhà đầu tư triển khai dự án.
Chính vì vậy, Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN sạch, đối với phần diện tích đất nằm trên địa bàn xã Xuân Trúc do huyện Ân Thi quản lý (127,38ha). Trong đó, diện tích đất phải thu hồi khoảng 547 hộ dân là gần 90ha, trên 37ha do xã quản lý và gần 120 ngôi mộ phải di dời thuộc địa bàn 4 thôn: Trúc Đình, Trúc Nội, Cù Tu và Trúc Lẻ với kinh phí bồi thường và hỗ trợ khoảng 317 tỷ đồng; gồm: tiền đất, thưởng tiến độ thu hồi đất, ổn định đời sống và đảm bảo sản xuất cho nhân dân. Chỉ trong vòng 60 ngày (từ ngày 05/12/2021 - 5/02/2022), Hội đồng Bồi thường và GPMB huyện Ân Thi đã tiến hành chi trả đầy đủ, theo giá đền bù đúng quy định của Nhà nước cho cơ bản các hộ dân, trước sự chứng kiến của đại diện cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Để công tác bồi thường, di dời, GPMB đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Ân Thi khẳng định: Chính là nhờ lãnh đạo huyện Ân Thi luôn giữ quan điểm nhất quán, tôn trọng quyền lợi chính đáng của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án trên cơ sở những quy định hiện hành của pháp luật. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động luôn được đẩy mạnh, đa dạng “thấu tình, đạt lý”; thường xuyên và bám sát địa bàn nên 1 số hộ dân với nhận thức còn hạn chế, cuối cùng cũng hiểu rõ chủ trương, tiếp nhận tiền bồi thường và di dời mà không phải dùng đến biện pháp cưỡng chế./.
Hà Thành (Vietnam Business Forum)