HƯNG YÊN

Ngành Công Thương: Khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội

20:09:01 | 4/5/2022

Trong bối cảnh chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành Công Thương tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả ấn tượng. Qua đó khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Những chuyển biến tích cực

Tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Hưng Yên vẫn là một tỉnh nông nghiệp với tỷ trọng nông nghiệp chiếm đến 46,52% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 32,48%. Tuy nhiên, sau 25 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển nhảy vọt, cơ cấu kinh tế có sự đảo chiều giữa nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng, Hưng Yên đã từng bước định hình rõ những nền tảng để mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp không còn xa.

Năm 2020 và năm 2021, mặc dù phải chịu những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 song tăng trưởng kinh tế của Hưng Yên vẫn đạt được những thành tích rất đáng khích lệ. GRDP của tỉnh tăng 6,52%; cơ cấu kinh tế công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 63,67%, thương mại - dịch vụ 27,65%, nông nghiệp - thủy sản 8,68%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 18.660 tỷ đồng, vượt kế hoạch 37,27%; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 36.407 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 87,43 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,3%,...

Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết, để đạt được kết quả trên, Sở đã chủ động thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá. Theo đó, Sở chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, cơ chế, chính sách và các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,62 lần so với năm 2015 và gấp 8,7 lần so với năm 2010.

Ngoài ra, Sở cũng phối hợp triển khai tốt công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, hình thành được ngành công nghiệp đa ngành với những lĩnh vực chủ lực như: Điện tử, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, cán thép, dệt may, thiết bị nội thất,... đã khẳng định được thương hiệu và vị thế trên thị trường. Cùng với đó là các giải pháp đẩy mạnh việc thành lập doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng và triển khai có hiệu quả các phương án bình ổn giá, ổn định thị trường,…

Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Năm 2021, tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên với hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh kết hợp với trực tuyến tại 17 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố và trên 45 điểm cầu nước ngoài tại 21 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc,... Sau hội nghị, Sở đã chủ động phối hợp đưa nhãn lồng Hưng Yên tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Shopee, Sendo, Voso, Postmart,...), kết nối với các doanh nghiệp phân phối, siêu thị tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối,...

Bên cạnh đó là các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa; xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; hướng dẫn các đơn vị thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện cho các khách theo chỉ đạo của Bộ Công Thương; làm tốt công tác tư vấn, xúc tiến, thu hút đầu tư...

Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước; đến năm 2030, sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.

Không chỉ vậy, cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2017, Sở đã dần chuyển sang cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4. Đến nay, toàn bộ 116 thủ tục hành chính (TTHC) của Sở đã được cung cấp ở mức độ 3, 4. Trong đó, số TTHC ở mức độ 4 của Sở là 92/116 TTHC (chiếm 79,3%); số TTHC cung cấp ở mức độ 3 trong năm 2021 là 24/116 TTHC (chiếm 20,7%). Điểm số CCHC của Sở Công Thương nhiều năm liền nằm trong top đầu của tỉnh (năm 2019, 2020 đứng thứ 2/17 sở, ngành).

Ông Thơ khẳng định, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN để có giải pháp hoặc tham mưu cho tỉnh có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời đổi mới và mở rộng hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng lực sản xuất cho toàn ngành. Tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, chú trọng đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai.

Ngoài ra, tăng cường tổ chức tốt các hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực ngành, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần tạo dựng môi trường lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh. Triển khai tổ chức thực hiện tốt hoạt động xúc tiến thương mại. Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA, RCEP,... Qua đó nâng cao nhận thức, góp phần tạo sự tin tưởng, chủ động trong quá trình hội nhập.

“Song song với đó là các biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao trách nhiệm, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ ngành để đủ sức đảm đương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI)” - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định.

Nguồn: Vietnam Business Forum