VĨNH LONG

Ngành Tài nguyên môi trường: Nỗ lực cải cách vì người dân và doanh nghiệp

15:37:15 | 30/5/2022

Ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Vĩnh Long đang tích cực đổi mới công tác tham mưu, quản lý; nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nhất là các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN). Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Minh Khởi - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Vĩnh Long về vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.

Ông có thể cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành TNMT tỉnh Vĩnh Long năm 2022?

Thực hiện chủ trương chung của tỉnh: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch…, năm 2022, Sở TNMT đang tập trung vào các nhiệm vụ:

Trong lĩnh vực đất đai, ngành tập trung hoàn thành lập, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 của 8/8 huyện, thị xã, thành phố; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm giai đoạn 2021-2025; đồng thời tham mưu UBND tỉnh hoàn thành báo cáo Thống kê đất đai tỉnh Vĩnh Long năm 2021 gửi Bộ TNMT phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Bên cạnh đó, hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (địa chính - quy hoạch - giá đất - thống kê, kiểm kê) của 4/8 huyện, thị xã, thành phố để đưa vào khai thác, tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và kết nối liên thông giữa các ngành, cổng trung tâm dịch vụ công của tỉnh. Ngành cũng chỉ đạo đẩy nhanh việc xác định giá đất phục vụ cho đấu giá, áp giá bồi thường thu hồi, định giá phục vụ giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất và tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn của DN. Ngành còn tiếp tục hoàn chỉnh 03 dự án quan trọng: Điều tra thoái hóa đất tỉnh Vĩnh Long lần tiếp theo (2021 - 2025); Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Vĩnh Long; Điều tra, phân hạng đất nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long; và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về cơ chế tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.


Không khí tại các khu sản xuất gạch, gốm được cải thiện nhờ cải tiến công nghệ, sản xuất sạch hơn

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, ngành sẽ tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm hoạt động khai thác cát, nhất là tại khu vực nhân dân phản ánh hoặc có hiện tượng sạt lở. Sở cũng đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ: Trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án xác định dòng chảy tối thiểu trên sông; giám sát việc xả thải vào nguồn nước; tham mưu việc cấp phép và cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho tổ chức, cá nhân; phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai các dự án tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước...

Trong lĩnh vực môi trường, tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; quản lý môi trường các khu - cụm công nghiệp, làng nghề. Ngành tiếp tục triển khai phong trào chống rác thải nhựa; nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn; quan tâm đầu tư nhà máy xử lý rác thải, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào tái chế, sử dụng chất thải, rác thải,..

Trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC), sẽ đẩy mạnh rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về lĩnh vực TNMT; công bố TTHC theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết; thực hiện hiệu quả việc liên thông dữ liệu giữa Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh/bộ phận một cửa cấp huyện và cơ quan thuế; kiểm tra việc giải quyết hồ sơ tại các bộ phận để giảm tối đa số hồ sơ trễ hạn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; siết chặt kỷ cương và nâng cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với một số TTHC.

Những năm qua, ngành TNMT đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI?

Sở đã chỉ đạo thực hiện tốt việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã đạt trên 98% diện tích toàn tỉnh và dữ liệu địa chính liên thông với cơ quan thuế, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đảm bảo việc luân chuyển, theo dõi hồ sơ thực hiện trên môi trường mạng, rút ngắn thời gian giải quyết. Cổng thông tin điện tử của Sở đã công bố đầy đủ: Văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; các khu đất sạch đưa vào đấu giá đất, quyết định thu hồi, giao, cho thuê, đấu giá quyền sử dụng đất…

Bên cạnh việc rút ngắn thời gian thực hiện TTHC về đầu tư kinh doanh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh công bố đầy đủ TTHC với thời gian thực hiện bằng hoặc ít hơn quy định và xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong công tác xác định giá đất cụ thể.

Sở cũng tích cực tham gia các buổi gặp gỡ, đối thoại với DN; phối hợp các sở, ban ngành tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn hoặc có văn bản gửi xin ý kiến bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn các vấn đề vượt thẩm quyền.

Việc tập huấn cho DN các quy định pháp luật về TNMT cũng được chú trọng. Cụ thể ngay đầu năm 2022, Sở đã tổ chức 02 đợt tập huấn văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện… và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nhìn chung, Sở TNMT luôn coi trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp UBND tỉnh đã chỉ đạo, qua đó góp thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đến Vĩnh Long.

Đánh giá của ông về chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh? Sở đang thực hiện giải pháp nào nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng trong thời gian tới?

Trong 5 năm 2016 - 2020, chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao nhưng chưa ổn định. Cụ thể, có 2 năm điểm chỉ số Tiếp cận đất đai của Vĩnh Long đứng 01/63 tỉnh, TP (năm 2016 với 6,99 và năm 2019 với 7,80) nhưng năm 2017 giảm thấp nhất 6,69 điểm, xếp 14/63; đến năm 2018 tăng trở lại 7,04 điểm nhưng vẫn xếp 17/63 và năm 2020 đạt 7,15 đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố.

Thời gian tới, Sở sẽ thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian xác định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phối hợp chặt chẽ với địa phương để làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xử lý các vướng mắc tồn đọng về đất đai của DN. Tăng cường cung cấp thông tin đất đai trực tuyến, nhất là thông tin về quy hoạch, giá đất, đấu giá đất, thông tin dự án; tham mưu UBND tỉnh phát huy vai trò của Trung tâm Phát triển quỹ đất trong việc ứng vốn tạo quỹ đất sạch...

Từ kết quả xếp hạng chỉ số CCHC các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện những năm qua, ông nhìn nhận thế nào về chất lượng, hiệu quả công tác CCHC của ngành TNMT?

Kết quả xếp hạng CCHC của Sở TNMT những năm qua có thứ hạng không cao, trong đó điểm trừ nhiều nhất là ở chỉ số cải cách TTHC. Về khách quan, những vướng mắc trong việc thực hiện TTHC thời gian qua còn có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách pháp luật và Sở đã có phản ánh về Bộ TNMT để tổng hợp, xem xét ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành hướng dẫn.

Căn cứ trên báo cáo phân tích đánh giá Chỉ số CCHC năm 2021, Sở sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Quản lý chặt chẽ việc giao việc và kiểm tra tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ, giải quyết hồ sơ của từng công chức, viên chức; rà soát lại quy trình, thủ tục trình UBND tỉnh công bố hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung; tăng cường hơn việc phối hợp với sở, ban ngành…

Chủ trương của Chính phủ, tỉnh là đẩy mạnh thực hiện TTHC ở mức độ 3 và 4 nhưng tại Cổng thông tin điện tử của Sở lại không phát sinh hồ sơ. Nguyên nhân do người dân chưa có thói quen thao tác trực tuyến nhưng mặt khác còn bởi cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ này còn hạn chế. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật hiện chưa đồng bộ trong việc thực hiện TTHC: Hầu hết TTHC về đất đai đều quy định “tiếp nhận bản gốc” nên việc thực hiện mức độ 3, 4 gặp nhiều khó khăn; đây cũng là “điểm nghẽn” lớn khi đẩy mạnh cải cách TTHC của ngành.

Tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông có thể chia sẻ về việc thực hiện chủ trương này?

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư đảm bảo tính bền vững, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp thiết, ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khi góp ý các dự án, Sở tham mưu tỉnh xem xét, loại trừ dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu hao năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm.

Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng chiến lược đầu tư đảm bảo phát triển bền vững; chú trọng khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, thế mạnh nhằm khai thác tốt tiềm năng; các ngành nghề công nghệ cao, hiện đại, sạch, thân thiện môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn lực địa phương…

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum