VĨNH LONG

Tạo đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao

15:53:53 | 30/5/2022

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Vĩnh Long xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đây cũng được coi là yếu tố quan trọng, nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của địa phương trong giai đoạn mới.

Những năm qua, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô cũng như hiệu quả triển khai. Qua đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Giai đoạn 2016 – 2021, các cơ sở này đã tuyển sinh 182.625 người, trong đó đã thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, dưới 03 tháng cho 148.638 người và có 4.923 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề; góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh từ 35,12% vào cuối năm 2015 lên 55,97% vào cuối năm 2021. Riêng năm 2021, đã tạo việc làm mới cho 23.436 lao động, đạt 117.18% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cơ sở GDNN bước đầu đã chủ động gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động thông qua việc ký kết hợp tác; thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Vĩnh Long cũng là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ và luân chuyển cán bộ, công chức tới các vùng khó khăn. Từ đó, góp phần điều tiết cung cầu lao động, phát triển đa dạng cơ cấu ngành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Không chỉ chú trọng công tác GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Vĩnh Long cũng đẩy mạnh hỗ trợ người lao động và đảm bảo công tác an sinh xã hội. Năm 2021, ngành đã tham mưu hỗ trợ cho trên 196.000 lượt đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh phí trên 290 tỷ đồng; đồng thời tổ chức 07 đợt đón 1.491 công dân từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương về Vĩnh Long để phòng chống dịch, ổn định cuộc sống.

Tính đến hiện tại, dân số từ 15 tuổi trở lên của Vĩnh Long đạt khoảng 817.000 người, trong đó có 596.000 người tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 73%, cho thấy Vĩnh Long đang có nguồn nhân lực đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025  đã xác định phát triển nguồn nhân lực, lao động có tay nghề cao là một trong ba khâu đột phá. Giai đoạn 2021 - 2025, ngành LĐ-TB&XH phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề cho 175.000 người. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, ngắn hạn cho 25.000 lao động nông thôn và các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 65% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%).

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động GDNN, nhất là các ngành nghề mới, có tính đón đầu, công nghệ kỹ thuật cao; đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động...

Ngoài ra, Sở cũng triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt ưu tiên đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động…

Nguồn: Vietnam Business Forum