Ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao, nông sản hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…là mục tiêu tạo đột phá cho nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn mới, Hà Nội tiếp tục phát huy tiềm năng. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.
Những HTX nông nghiệp tiền tỷ
Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thuỷ sản, tập trung chủ yếu ở Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Điển hình như mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) với diện tích 5 ha, cho thu nhập gần 6,7 tỷ đồng/ha/năm. Hợp tác xã Rau hữu cơ CNC Cuối Quý là mô hình kinh tế tiêu biểu của huyện Đan Phượng. Giám đốc Hợp tác xã Đặng Thị Cuối chia sẻ: "Với số vốn gần 7 tỷ đồng, trên diện tích hơn 5ha, hợp tác xã đã đầu tư 7.000m2 nhà màng, áp dụng sản xuất CNC và không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nông nghiệp, đến nay quy mô đã tăng gấp 3 lần, với nhiều loại cây trồng khác nhau. Năm 2021, hợp tác xã đã thành công lớn với mô hình trồng nho hạ đen mở ra hướng mới trong phát triển nông nghiệp CNC gắn với du lịch sinh thái".
Năm 2020, ông Nguyễn Tiến Dũng (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) nhận thuê khoán đất canh tác của người dân, và huy động toàn bộ số tiền tích góp được cộng với số vốn vay mượn để xây dựng nông trại đa canh quy mô gần 129ha. Trong đó có 4.000m2 thực hiện mô hình trồng hoa lan ứng dụng CNC. Mô hình này mang lại doanh thu trên dưới 18 tỷ đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nông trại cung cấp cho thị trường 120.000 cây lan các loại với giá trị tương đương 12 tỷ đồng. "Dù mới triển khai, nhưng nhờ doanh thu tương đối tốt và ổn định nên gia đình tôi có điều kiện quay vòng vốn để tiếp tục đầu tư sang các hạng mục CNC khác"- ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Theo Ông Nguyễn Văn Chí – Chi cục trưởng, Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC đã chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng bền vững. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, hợp tác xã đưa CNC vào sản xuất rau. Hiện, tại các vùng trồng rau đã có 127ha ứng dụng kỹ thuật nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 7 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 750m2. Về chăn nuôi, toàn TP có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…
Phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Chi cục trưởng Nguyễn Văn Chí chia sẻ hiện nay giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng phi mã, để giảm sự phụ thuộc vào phân bón vô cơ trong trồng trọt, ngành nông nghiệp Hà Nội khuyến khích các địa phương phát triển, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Để giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo người nông dân cần tìm các biện pháp thay thế, cũng như sử dụng các loại phân bón khác và thực hiện "5 đúng" là: bón đúng chủng loại phân, bón đúng nhu cầu sinh lý của cây, bón đúng nhu cầu sinh thái, bón đúng vụ và thời tiết, bón đúng phương pháp...Thời điểm này cũng là cơ hội để người nông dân hướng tới mô hình nông nghiệp tuần hoàn nhằm tận dụng phế phẩm nông nghiệp như một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân và phát triển bền vững.
Anh Phạm Văn Dũng, huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, từ năm ngoái đến năm nay, giá phân đạm tăng gấp 3 lần, phân lân tăng gấp đôi.Vụ Xuân năm nay, gia đình anh thay vì bón lót phân lân trước khi cấy, nay chuyển sang bón lót bằng phân chuồng. Theo anh Dũng, phân hữu cơ cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cây trồng và không ngưng cải tạo đất đai do chất mùn hữu cơ có khả năng thẩm thấp và hấp thu tốt vào đất. Nhiều nông dân trên địa bàn Hà Nội cũng cho rằng, để giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao thu nhập buộc người nông nghiệp dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất, biết thuận theo tự nhiên, tận dụng phế phẩm nông nghiệp như nguồn lợi, nhất là khi chi phí sản xuất nông nghiệp ngày một tăng cao. Trong trồng trọt giá phân bón đã tăng từ 2-3 lần trong năm vừa qua, còn giá giống tăng ít nhất 10%. Với nuôi trồng thủy sản áp lực về chi phí thức ăn cũng là gánh nặng đối với nhà nông.
Hiện nay, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn như nuôi cá - lúa, úa - tôm, ốc, cua hoặc chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả đang được mở rộng và khẳng định hiệu quả ở nhiều địa bàn của Hà Nội. Tại huyện Thường Tín, nhiều hộ nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất vừa góp phần phục hồi hệ sinh thái môi trường trên đồng ruộng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Hồ Văn Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Quất Động chia sẻ: phương pháp canh tác này không chỉ góp phần hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn phân bón tự nhiên giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: hiện nay, giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng mạnh làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Để hỗ trợ nông dân, Sở đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, trước hết, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân liên kết tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp trực tiếp tại các nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Đồng thời, tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ; ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống tưới nước và phân bón nhỏ giọt tự động trên các loại cây trồng, mô hình công nghệ cao. Hà Nội đang thúc đẩy các mô hình sản xuất tuần hoàn, thuận theo tự nhiên. Thời gian tới, đối với từng loại hình sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng hành lang kỹ thuật và phổ biến rộng rãi để các hộ nông dân có thể áp dụng thông qua các mô hình khuyến nông mới. Mỗi năm, các địa phương của Hà Nội sẽ có từ 1-5 mô hình sản xuất tuần hoàn điểm, phù hợp với địa hình canh tác, tập quán sản xuất của người dân... làm cơ sở để nhân rộng.
*Bài viết có sự phối hợp của Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)