HẬU GIANG

Tận tâm, dồn sức đồng hành với doanh nghiệp

09:24:44 | 15/6/2022

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 4 trụ cột nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và đô thị, bên cạnh áp dụng các cơ chế, chính sách hấp dẫn, tỉnh Hậu Giang còn vào cuộc quyết liệt nhằm tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh cởi mở; tạo sự chuyển biến từ “quản lý” sang “phục vụ”. Ông Trần Ngọc Hùng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh những năm qua?

Trong thời gian qua, công tác thu hút đầu tư luôn được tỉnh Hậu Giang quan tâm chỉ đạo thống nhất và sát sao. Bên cạnh tăng cường vận động, xúc tiến, làm việc, mời gọi nhà đầu tư chiến lược, uy tín trong và ngoài nước, UBND tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư tìm hiểu pháp luật, chính sách, thủ tục cũng như tiếp cận các lợi thế, tiềm năng, thị trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh.

Cùng với xúc tiến bên ngoài, tỉnh luôn coi trọng “xúc tiến tại chỗ” thông qua việc tạo môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Với quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, đề cao “tinh thần phục vụ” của chính quyền đã góp phần tạo dựng niềm tin, thúc đẩy DN phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19...

Từ sự nỗ lực đó, Hậu Giang đang ngày càng thu hút sự quan tâm tìm hiểu, đăng ký đầu tư của các DN trong và ngoài nước. Cho đến nay (hết tháng 4/2022), toàn tỉnh đã thu hút 418 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 140.542 tỷ đồng (353 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp vốn 50.019 tỷ đồng, 04 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang vốn là 316 tỷ đồng và 61 dự án trong khu công nghiệp với số vốn 90.206 tỷ đồng), đồng thời thu hút được 24 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 617 triệu USD. Trên địa bàn hiện có 5.747 doanh nghiệp hoạt động với tổng số vốn đăng ký 60.511 tỷ đồng.

Song bên cạnh kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh vẫn bộc lộ một số hạn chế: Các dự án FDI còn khiêm tốn về số lượng và quy mô; hệ thống quy hoạch còn đang trên đà hoàn thiện; cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ; chất lượng dịch vụ cải thiện còn chậm nhất là dịch vụ lưu trú ăn uống, vận tải, logistics và cơ sở hạ tầng thông tin; mức tiêu dùng trong nhân dân còn thấp;... Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án đầu tư.

Xin ông cho biết một số điểm nhấn nổi bật về định hướng thu hút đầu tư của Hậu Giang trong giai đoạn 2021- 2025?

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung thu hút đầu tư xoay quanh 04 trụ cột làm tiền đề cho các ngành và lĩnh vực khác phát triển, gồm công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Bên cạnh đó, một lĩnh vực nữa cũng đang được tỉnh quan tâm: Thu hút nguồn lực tập trung phát triển là chuyển đổi số.

Cụ thể, bên cạnh 02 khu công nghiệp hiện hữu, trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh cũng quy hoạch, phát triển và thu hút đầu tư vào 07 khu công nghiệp mới cùng một số cụm công nghiệp. Trong khi đó, Khu nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch diện tích 5.200ha nhưng chỉ mới khai thác 300ha cũng là cơ hội lớn cho các DN có tiềm lực, tâm huyết về với Hậu Giang.

Quan điểm chung về thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là ưu tiên cho công nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch - xanh… cũng như các dự án đầu tư sử dụng ít đất, bảo vệ môi trường.

Việc tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2022 có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay và những mục tiêu, kỳ vọng đề ra?

Thực hiện 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, với khát vọng vươn lên lan tỏa trong hệ thống chính trị và nhân dân, Hậu Giang đang tập trung khắc phục hạn chế về xuất phát điểm kinh tế, quy mô và nguồn lực phát triển; quyết liệt tháo gỡ “điểm nghẽn” về môi trường kinh doanh, đặc biệt là về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng... nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tạo sự bứt phá thời gian tới.

Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2021, tỉnh Hậu Giang xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2017, đứng vị trí thứ 9/13 trong các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm cụ thể chủ trương trên, sau hơn hai năm gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Hậu Giang đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, trong đó có việc tổ chức Hội nghị XTĐT tỉnh Hậu Giang năm 2022.

Hội nghị XTĐT tỉnh Hậu Giang năm 2022 trước hết là dịp để tăng cường giới thiệu thế mạnh, quảng bá tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch...; tạo điều kiện để nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh. Hội nghị cũng là diễn đàn để các nhà quản lý, khoa học, nhà đầu tư bàn thảo về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư phù hợp. Thông qua Hội nghị lần này, tỉnh Hậu Giang mong muốn nhà đầu tư có thể tiếp cận một cách minh bạch, cụ thể những lợi thế, tiềm năng và dự án trọng điểm; chia sẻ cơ hội, kết nối nguồn lực; từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm về tỉnh. Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng là dịp để chính quyền tỉnh thể hiện sự cầu thị, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ đưa Hậu Giang vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Đánh giá của ông về Chỉ số thành phần Gia nhập thị trường của tỉnh thời gian qua. Hiện Sở đang thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mạnh mẽ hơn trong thời gian tới?

Chỉ số thành phần Gia nhập thị trường năm 2021 đạt 7,81 điểm, tăng 0,69 điểm so với năm 2020. Nhóm chỉ số này năm 2021 được xếp thứ hạng 2/63 tỉnh thành. Trong nhóm 19 chỉ số thành phần, có 9 chỉ số trên trung vị và 10 chỉ số dưới trung vị, nhóm chỉ số này tăng so với năm qua nhờ thứ hạng cao của các chỉ số thành phần, nổi bật là 04 chỉ số xếp thứ 1/63 (Hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là rõ ràng, đầy đủ; Tỷ lệ DN phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đăng ký DN; Tỷ lệ DN phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký DN; Tỷ lệ DN phải chờ hơn 3 tháng nhằm hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động).

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các giải pháp nhằm cải thiện thực chất năng lực cạnh tranh của tỉnh, tập trung thực hiện tốt nội dung sau:

- Cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số sụt giảm trong năm 2021 như: Tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

- Duy trì và tiếp tục nâng cao các chỉ số tăng điểm như: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ DN, đào tạo lao động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum