Tỉnh Nam Định phấn đấu, giai đoạn 2021- 2025, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt trên 80.000 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Nam Định đang vào cuộc sát sao với các giải pháp đồng bộ. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Văn Quyết - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định.
Ông có đánh giá gì về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tỉnh Nam Định những năm gần đây?
Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ triển khai nhiều giải pháp linh hoạt nên Nam Định vẫn thu hút được 156 dự án gồm: cấp mới 121 dự án, điều chỉnh tăng vốn 35 dự án; 32 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 116 triệu USD, 124 dự án DDI với vốn đăng ký 77.400 tỷ đồng. Nổi bật là trong năm 2021, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 03 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện về sản xuất gang thép, cấu kiện bê tông đúc sẵn, cán thép với tổng mức đầu tư 99.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói là thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư luôn nhận được quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành. Từ đó, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách thúc đẩy như: Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 20/8/2021 về Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số CCHC tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025... Trong 2 nhiệm kỳ gần nhất, Đảng bộ tỉnh đều ban hành nghị quyết chuyên đề về xúc tiến thu hút đầu tư nên đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Tuy vậy, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn một số hạn chế như: Thiếu tính liên kết vùng, khu vực; các dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động và phân bố không đều; quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp chậm trễ; thiếu quỹ đất sạch... trong khi đó, chính sách thu hút và quản lý công nghệ cao chưa phát huy hiệu quả, năng lực tiếp nhận công nghệ còn yếu do thiếu chuyên gia kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề.
Để Nam Định thực hiện thành công mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp đạt trên 80.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, Sở đang tham mưu, thực hiện các giải pháp nào, thưa ông?
Sở đang tham mưu UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành thực hiện các giải pháp sau:
1. Về quy hoạch: Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý thực hiện quy hoạch; sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo thống nhất với quy hoạch vùng và quốc gia, đồng thời thực hiện tốt các quy hoạch lớn như Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040;…
2. Về hạ tầng:
- Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm có tính lan tỏa phát triển, như: tuyến đường nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; các cầu lớn Đống Cao, Ninh Cường, Bến Mới; tuyến đường bộ Nam Định - Lạc Quần - đường ven biển…
- Đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp; sớm lấp đầy KCN Dệt may Rạng Đông; hoàn thành đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Thuận; mở rộng KCN Bảo Minh; triển khai KCN Hồng Tiến; tháo gỡ vướng mắc để KCN Mỹ Trung sớm đi vào hoạt động…
- Triển khai các thủ tục xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; từng bước xây dựng không gian kinh tế liên kết khu vực biển các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy.
3. Về CCHC:
- Đổi mới tư duy chỉ đạo, điều hành; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tỉnh.
- Triển khai có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhất là thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đất đai, xây dựng,...
- Hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số toàn diện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và xử lý văn bản; cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
4. Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến, thu hút đầu tư
- Tạo thuận lợi để nhà đầu tư tiếp cận thông tin quy hoạch, đẩy nhanh giải quyết thủ tục pháp lý về: đất đai, đê điều, môi trường... và tích cực tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ hoặc sử dụng đất đai không đúng mục đích.
- Thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ DN; tăng cường xúc tiến thương mại, thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hoá; nâng cao chất lượng thẩm định dự án đầu tư, chú trọng đánh giá năng lực tài chính, công nghệ và biện pháp bảo vệ môi trường.
- Củng cố mạng lưới đào tạo nghề gắn với nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp gắn với các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học… và khuyến khích liên kết giữa DN với cơ sở đào tạo.
- Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành, lĩnh vực thế mạnh; hướng tới nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các tập đoàn lớn trong nước. Coi trọng “xúc tiến tại chỗ” qua việc hỗ trợ và khuyến khích DN tái đầu tư, mở rộng sản xuất.
5. Về cơ chế chính sách
- Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ DN theo quy định chung cả nước và riêng của tỉnh; phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu áp dụng các chính sách đặc thù đối với dự án quy mô lớn.
- Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, có chính sách hỗ trợ đầu tư đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (nối Nam Định - Ninh Bình) dài hơn 15,2km đã cơ bản được hoàn thành
Một vài chia sẻ của ông về định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030?
Tỉnh sẽ xúc tiến, thu hút một cách chủ động, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường theo các hiệp định đa phương hoặc song phương.
Trong lĩnh vực công nghiệp chuyển dần từ “rộng” sang “sâu”; từ sau năm 2025 sang phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Lựa chọn một số ngành công nghiệp nền tảng để ưu tiên phát triển theo hướng tận dụng tiềm năng, lợi thế địa phương; tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng tiết kiệm đất, thân thiện môi trường; tạo ra giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu và thu ngân sách.
Tỉnh chỉ chấp thuận dự án đầu tư sản xuất vào các KCN, CCN; nếu bên ngoài chỉ xem xét đối với dự án lớn có tác động lớn hoặc không thể sản xuất; không thu hút đầu tư dệt may, da giày vào thành phố Nam Định và khu vực lân cận; tại vùng nông thôn sẽ cân đối phù hợp với nguồn lao động tại chỗ.
Bên cạnh ưu tiên phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ đô thị, trong đó tập trung phát triển dịch vụ giáo dục-đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ xã hội phục vụ KCN, CCN, dịch vụ logistics, tài chính - ngân hàng, bưu chính, viễn thông... tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp theo các vùng chuyên canh làm cơ sở cho việc tích tụ ruộng đất và thu hút dự án công nghệ cao hoặc vào các địa bàn phù hợp.
Đánh giá của ông về chỉ số Gia nhập thị trường của tỉnh? Sở đang thực hiện các giải pháp nào nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ số trên?
Chỉ số Gia nhập thị trường của tỉnh năm 2020 đạt 8,45 điểm, tăng 0,22 điểm nhưng giảm 7 bậc so với năm 2019 và xếp 10/63; năm 2021 đạt 7,07 điểm, giảm 1,38 điểm, 14 bậc so với năm 2020 và xếp 24/63 tỉnh, thành phố.
Để cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ số này, Sở đang tập trung thực hiện các giải pháp gồm:
- Tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN; các phòng rà soát, xây dựng quy trình theo hướng tinh giản, rút ngắn thời gian và có lộ trình giải quyết rõ ràng. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, TTHC không yêu cầu DN, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần.
- Khuyến khích đăng ký DN trên môi trường mạng qua Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia; có hình thức hỗ trợ DN đăng ký qua mạng nhằm nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
- Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả chương trình tổng thể CCHC; đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nâng cao chất lượng tư vấn, hướng dẫn thủ tục (trực tiếp, qua điện thoại hay email...) rõ ràng, dễ hiểu.
- Tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là giải quyết các hồ sơ, thủ tục về đầu tư, kinh doanh; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu.
Với sự vào cuộc quyết liệt, Sở quyết tâm tạo bứt phá mạnh mẽ về chỉ số Gia nhập thị trường, qua đó góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum