NAM ĐỊNH

Thành phố Nam Định: Hướng tới trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ vùng Nam đồng bằng sông Hồng

08:38:11 | 19/7/2022

Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, thành phố Nam Định đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Các ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với quá trình đô thị hóa, xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Hướng đến mục tiêu là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thành phố Nam Định đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục và phát triển thành phố Nam Định là một trong ba thành phố lớn của miền Bắc và là trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với sáu chức năng trung tâm vùng: Công nghiệp; giáo dục - đào tạo; khoa học - công nghệ; y tế; văn hóa, du lịch; thể thao theo quy hoạch địa giới hành chính thành phố mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xác định công nghiệp, thương mại, dịch vụ là “mũi nhọn”, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực tạo ra sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp kỹ thuật cao nhất là: cơ khí chế tạo, điện - điện tử; hóa - dược, công nghệ sinh học; công nghiệp hỗ trợ. Thành phố cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính tăng năng lực cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực, thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp vượt khó, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, quảng bá các thương hiệu, nhất là thương hiệu các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của thành phố. Trong năm 2021, 73 doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp An Xá đều ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 người với lương bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý tăng 15,1% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra. Thành phố Nam Định tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm sản xuất công nghiệp của một số ngành chủ lực như: dệt may, sản xuất thuốc và hóa dược… đứng trong tốp đầu của cả nước.

Năm 2022, thành phố đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý tăng 14-15% so với năm 2021; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 8-9%. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân trên 17%/năm; giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ tăng trên 10%/năm.

Định hướng thành phố Nam Định sẽ phát triển theo mô hình đa cực, xác định sông Đào là trục xương sống, phát triển hai bên sông; lấy đô thị cũ làm trung tâm kết nối, tạo các trục kết nối với không gian mở vào trong trung tâm đô thị cũ và trung tâm mới Nam sông Đào. Thành phố sẽ hình thành 3 vùng phát triển: Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh. Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc (Mỹ Lộc), hình thành các khu vực đô thị tổng hợp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Vùng phát triển đô thị về phía Nam và Đông Nam thành phố, hình thành đô thị dịch vụ, thương mại, phát triển vùng sinh thái nông nghiệp nam sông Đào gắn với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ven sông.

Thành phố cũng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố. Khởi công công trình xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi và xây dựng tuyến đường trục phía Nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B là 2 dự án có ý nghĩa quan trọng kết nối thành phố với tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối 6 huyện phía Nam tỉnh tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía Nam sông Đào.

Ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định chia sẻ: Đánh giá đúng những thành tựu và hạn chế, cũng như xác định rõ những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Nam Định đang nỗ lực tập trung công sức, trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm để quy hoạch phát triển thành phố với mục tiêu: Xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nam Định. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung xây dựng, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó là phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp trên địa bàn thành phố đối với công nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dân doanh, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất các sản phẩm truyền thống, làm vệ tinh cho các cơ sở sản xuất lớn, đồng thời chuyển hướng sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, có chất lượng cao và xuất khẩu; tiếp tục đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp tập trung để góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố. Hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, giai đoạn 2021-2025.

Với những những giải pháp tổng thể, đồng bộ, thành phố Nam Định hứa hẹn trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho tỉnh Nam Định cũng như đất nước cùng phát triển.

Nguồn: Vietnam Business Forum