NAM ĐỊNH

Huyện Giao Thủy: Cực tăng trưởng mới của tỉnh Nam Định

08:47:16 | 18/7/2022

Sau 25 năm tái lập và phát triển, huyện Giao Thủy đạt nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, huyện đã tạo được bước đột phá mới trong thu hút đầu tư, hướng tới mục tiêu trở thành một cực phát triển mới của tỉnh Nam Định.

Kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc

Sau 25 năm tái lập huyện kể từ ngày 01/04/1997, từ một huyện thuần nông, điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, đến nay Giao Thủy đã xây dựng được một nền kinh tế phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2021 đạt 6.250 tỷ đồng năm (tăng 148 lần so với năm 1997); thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 đạt trên 770 tỷ đồng, tăng gần 74 lần so với năm 1997.

Kết cấu hạ tầng nông thôn của huyện được quan tâm đầu tư, phát triển nhanh, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, chợ… Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành, như: Tỉnh lộ 489, quốc lộ 37B… và nhất là dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua địa bàn huyện; dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; và các dự án giao thông quan trọng của huyện: đường Thiện Lâm; đường Cồn Nhì - Giao Thiện (ven sông Hồng);... đang triển khai khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng trên địa bàn với trị giá cao, thu hút lực lượng lớn công nhân, lao động trên địa bàn huyện như: Công ty May ProSport Giao Thủy, Giao Yến, Hồng Thuận (trên 4000 công nhân); Công ty TNHH Giày Sunshai Bình Hòa (trên 500 công nhân); Công ty Nice Power Giao Tiến…

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường. Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm còn 0,59%. Chính sách xã hội được quan tâm, chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả quan trọng. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt huyện NTM vào năm 2017, huyện tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, năm 2020, có 6 xã, thị trấn đạt NTM nâng cao; năm 2021 có 10 xã, thị trấn đăng ký xây dựng NTM nâng cao; UBND tỉnh đã thẩm định, cơ bản công nhận. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được kết quả tích cực, đến nay toàn huyện đã có 57 sản phẩm OCOP, đạt từ 3 sao trở lên (Giao Thủy là huyện có số sản phẩm OCOP đứng thứ 2 toàn tỉnh).

An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh nông thôn ổn định, ngày càng vững chắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Nhiều giải pháp tạo đột phá về thu hút đầu tư

Trong giai đoạn trước, huyện Giao Thủy giống như “ngõ cụt”, giao thông kết nối liên vùng, liên huyện, liên tỉnh gặp nhiều khó khăn, công nghiệp dịch vụ chậm phát triển, tỷ trọng nông nghiệp là chủ yếu trong cơ cấu kinh tế. Trong thời gian tới, khi tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển hoàn thành, Giao Thủy sẽ có nhiều cơ hội giao thương, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh…, mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư, trọng tâm là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao và dịch vụ du lịch. Trong đó huyện xác định mũi nhọn của nền kinh tế là công nghiệp công nghệ cao.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Giao Thủy tập trung thực hiện các giải pháp, gồm: Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của huyện trên các lĩnh vực để mời gọi đầu tư; đẩy mạnh tuyên truyền dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển có đoạn đi qua địa bàn huyện. Đây là dự án kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Nam Định và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai. Sau khi hoàn tất đưa vào sử dụng sẽ giúp huyện Giao Thủy phá được “thế cụt” về giao thông và mở ra cơ hội thu hút đầu tư mới. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của tỉnh, đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực để ưu tiên đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế của huyện; đầu tư xây dựng một số cụm, điểm công nghiệp phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể cho phép ở các xã, thị trấn. Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nâng cấp hệ thống đê, kè, cống, các công trình thủy lợi nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu, phục vụ tốt sản xuất, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các ngành kinh tế định hướng đến năm 2030; ưu tiên các ngành có lợi thế về nguyên liệu, khả năng cạnh tranh, thu hút nhiều lao động như: dệt may, nghề chế biến sản phẩm địa phương. Tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tăng cường xúc tiến thương mại, thông tin kịp thời giá cả, nhu cầu thị trường giúp các doanh nghiệp nắm bắt để tổ chức sản xuất. Tăng cường công tác khuyến công, khuyến khích phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao và phục vụ nông nghiệp; phát triển công nghiệp với nhiều loại hình; phát triển tiểu thủ công nghiệp, nghề thủ công, công nghiệp khai thác, chế biến... Mở rộng các mô hình liên doanh, liên kết, gắn với xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, ngành nghề nông thôn có thế mạnh của địa phương, phát triển thành các sản phẩm OCOP.

Quy hoạch đi trước một bước

Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, thời gian qua huyện Giao Thủy đã thuê nhiều đơn vị tư vấn có khả năng trong và ngoài tỉnh để thực hiện các quy hoạch huyện đang triển khai, nhất là quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030; quy hoạch đô thị; tư vấn quy hoạch liên vùng… UBND huyện cũng đã tham mưu, trình Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết về cải cách hành chính, thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 đồng thời huyện đang tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Bước đầu đã có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh cả về nguồn lực, công nghệ về tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện. Với nhiều dư địa trong thu hút đầu tư cùng nỗ lực cải thiện thiết lập môi trường đầu tư thông thoáng, chất lượng, Giao Thủy sẽ là điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Giao Thủy phấn đấu đạt huyện NTM nâng cao trước năm 2025; huyện NTM kiểu mẫu trước năm 2030 và phấn đấu trở thành một cực phát triển mới của tỉnh Nam Định.

Nguồn: Vietnam Business Forum