NAM ĐỊNH

Huyện Nam Trực và hành trình 25 năm vươn mình đổi mới

08:42:21 | 18/7/2022

25 năm sau ngày tái lập, từ xuất phát điểm thấp nhưng với ý chí, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân toàn huyện, Nam Trực ngày nay đã có những bước tiến vững vàng, bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc. Ông Lưu Quang Tuyển, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực đã chia sẻ với phóng viên về hành trình phát triển này. Nguyễn Bách thực hiện.

Sau 25 năm tái lập huyện, bức tranh kinh tế - xã hội của Nam Trực có nhiều khởi sắc, ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật mà huyện đạt được?

Ngày 01/4/1997, huyện Nam Trực được tái lập theo Nghị định 19/CP của Chính phủ. Những ngày đầu tái lập, Nam Trực đối mặt với bộn bề khó khăn. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quy mô nhỏ; kết cấu hạ tầng chưa phát triển; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Đến nay, sau 25 năm tái lập, huyện Nam Trực đã có những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội và sự khởi sắc diện mạo nông thôn mới.

Kinh tế có bước tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế tăng gần 10 lần so với năm 1997, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đều đạt trên 10%/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng - dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, tăng trưởng cả về năng suất, sản lượng; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác đạt 130 triệu đồng/năm, tăng hơn 4,6 lần so với năm 1997. Thu ngân sách nhà nước hàng năm đều hoàn thành vượt mức dự toán tỉnh giao, bình quân tăng trên 12,5%/năm. Đặc biệt năm 2021, thu ngân sách đạt 447 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với năm 1997.

Hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và nhiều công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây mới, bổ sung và nâng cấp. Đến nay, tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với chiều dài trên 66km đều đã được cải tạo, bổ sung, nâng cấp với quy mô từ cấp 4 đồng bằng trở lên; các tuyến đường trục huyện, đường liên xã với chiều dài trên 140km; các tuyến đường trục xã, thôn, xóm cơ bản được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế cùng các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm củng cố, phát triển, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân với thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 70 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên toàn huyện là 2,33% và hộ cận nghèo là 5,74%.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2018, 20/20 xã, thị trấn được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay có 19/20 xã đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao (11 xã đã được công nhận, 8 xã đang đề nghị) đưa Nam Trực trở thành huyện tốp đầu của tỉnh về số xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nam Trực là huyện nằm trong tốp đầu của tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; có tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ đứng thứ 2 của tỉnh. Những năm qua, huyện đã triển khai những giải pháp nào nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế?

Nam Trực là huyện có nhiều làng nghề truyền thống và có thế mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như các ngành: Cơ khí; Dệt may; Vật liệu xây dựng; Chế biến lâm sản. Những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nam Trực chú trọng triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong đó, tập trung vào những giải pháp xây dựng quy hoạch, quản lý và thực hiện đúng quy hoạch, nhất là quy hoạch các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, điểm dân cư; xây dựng kế hoạch sử dụng đất kịp thời đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô phát triển công nghiệp. Chú trọng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, xây dựng cơ chế, chính sách hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Tăng cường đối thoại trực tiếp, cùng doanh nghiệp tháo khó khăn về mặt bằng sản xuất, về nguồn vốn và lao động. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của huyện…

Đặc biệt, công tác cải cách hành chính luôn được huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ mang lại hiệu quả cao như: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và thực thi công vụ trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử với việc áp dụng các phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, theo ông Nam Trực cần tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm nào?

Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Nam Trực tập trung thực hiện đồng bộ 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trên cơ sở đó, huyện chủ trương khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, xây dựng trên cơ sở vừa phát triển các ngành công nghiệp chủ lực vừa khôi phục tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và phát triển nghề mới nhằm phát huy vai trò nền tảng của nền kinh tế, tạo khâu đột phá quan trọng nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một số cây trồng có thế mạnh; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, vùng lúa chất lượng cao. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Tập trung xây dựng vùng cánh đồng lớn, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và sử dụng đất đai; thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài chính ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng và các dự án trọng điểm của huyện.

Phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách người có công và bảo trợ xã hội; tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nhất là đối với lao động nông thôn. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum