Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nam Định xác định một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm là tập trung và phản ánh kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN), hạch toán số thu cho các cấp ngân sách theo đúng quy định. Theo đó, đơn vị đã mở rộng phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (NHTM), mang lại hiệu quả rõ nét. Đồng thời, các khoản chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Đẩy mạnh phối hợp thu NSNN
Thời gian qua, công tác phối hợp thu NSNN trên địa bàn Nam Định đã nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và các đối tượng nộp tiền vào NSNN. Vì vậy, số lượng người đến nộp thuế, phí, lệ phí… cũng như số tiền nộp vào NSNN tại các NHTM ngày một tăng lên. Các đơn vị tham gia phối hợp thu đều nhận thấy rõ lợi ích của mình trong thực hiện phối hợp thu NSNN. Lợi ích, hiệu quả của phối hợp thu NSNN trên địa bàn tỉnh Nam Định là vấn đề đã được khẳng định qua thực tiễn thời gian qua. Kết quả thu NSNN năm 2022 tính đến hết ngày 05/5/2022 trên địa bàn là 3.405/6.600 triệu đồng, bằng 51,6% dự toán, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước; trong đó số thu NSNN bằng chuyển khoản qua ngân hàng đạt 98,4%.
Để có được kết quả này, KBNN đã bám sát dự toán thu NSNN hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu, các NHTM trên địa bàn để mở rộng mạng lưới thu NSNN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp NSNN. Chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan, Tài chính và các cơ quan quản lý thu khác để quản lý, tập trung đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu vào NSNN. Thực hiện tốt công tác trao đổi thông tin về khoản thu, số đã thu giữa các cơ quan thu và Kho bạc nhằm quản lý tốt các khoản thu, tập trung thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN.
Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác phối hợp thu thuế nội địa giữa ngành Thuế, Hải quan, KBNN và NHTM. Hiện đại hoá cơ chế quản lý, CNTT đồng thời cải cách cả về tổ chức bộ máy và con người. Thực hiện quản lý theo phương pháp tiên tiến, khoa học, theo các chuẩn mực quốc tế, đưa ứng dụng CNTT hiện đại vào tất cả các khâu của quy trình thu NSNN để nâng cao hiệu quả của việc triển khai phối hợp thu thuế nội địa. Phối hợp với cơ quan Thuế ứng dụng có hiệu quả hệ thống quản lý thuế đảm bảo việc tích hợp, truyền nhận số liệu với KBNN và NHTM được nhanh chóng, thuận lợi, phục vụ việc thu nộp NSNN được kịp thời, chính xác, hỗ trợ việc quản lý thuế hiệu quả và góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đối với người nộp thuế hướng đến 100% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các NHTM để chú trọng phát triển công nghệ đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về tăng cường các hình thức thu NSNN tiên tiến, hiện đại (chuyển khoản, ATM, POS, internetbanking…), qua đó hạn chế tối đa việc nộp NSNN bằng tiền mặt tại NHTM hoặc KBNN. Phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với các đơn vị giao dịch NSNN trong quá trình thu và hạch toán các khoản thu, xử lý kịp thời các vướng mắc, sai sót phát sinh trong khi thực hiện giao dịch với khách hàng. Hướng đến việc xử lý giao dịch với khách hàng chuyên nghiệp, thuận tiện, tạo điều kiện cho khách hàng nộp đúng, nộp đủ, kịp thời.
Quy trình, thủ tục thu nộp NSNN được đơn giản hóa, giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp NSNN theo nguyên tắc: người nộp thuế chỉ cần lập 1 liên bảng kê nộp thuế theo mẫu tương đối đơn giản; thời gian chờ đợi để mỗi người nộp thuế làm thủ tục nộp tiền được giảm bớt xuống còn khoảng 3 - 5 phút cho một lần giao dịch nộp thuế thay vì trước đây nhiều thời gian hơn rất nhiều. Kết hợp kiểm soát thanh toán các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản để thu NSNN ngay từ khâu thanh toán. Khi thanh toán các khoản chi NSNN thuộc đối tượng phải nộp NSNN, KBNN thực hiện thu ngay từ khâu thanh toán cùng với số tiền thanh toán cho đơn vị sử dụng NSNN, từ đó thu kịp thời vào NSNN. Đồng thời trong quá trình thanh toán phối hợp với cơ quan Thuế về các khoản thu lớn để cơ quan Thuế chủ động trong khâu đôn đốc thu NSNN.
Kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính
Thời gian qua, KBNN đã tham mưu có hiệu quả với HĐND, UBND tỉnh trong công tác điều hành ngân sách; thực hiện cung cấp thông tin, báo cáo tình hình thu, chi NSNN cho các cấp ủy, chính quyền và cơ quan quản lý tài chính địa phương, đảm bảo số liệu chính xác, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành ngân sách của chính quyền các cấp. Thông qua việc báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản về HĐND, UBND các cấp để nắm bắt tình hình giải ngân của các dự án, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp với các cấp chính quyền trong việc chỉ đạo chủ đầu tư trong việc chấp hành nghiêm các trình tự, thủ tục đầu tư; trình tự quản lý tài chính dự án; từ đó khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao.
Đẩy mạnh cải cách TTHC theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và KBNN, thực hiện kiểm soát chi NSNN theo hướng đơn giản hồ sơ, chứng từ song vẫn đảm bảo quy trình đầy đủ thông qua áp dụng tin học hóa, CNTT vào thực hiện nhiệm vụ nhất là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tới 100% các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn. Các khoản chi thường xuyên NSNN được KBNN Nam Định kiểm soát chặt chẽ theo đúng Luật NSNN, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và văn bản hướng dẫn của KBNN, nhất là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác... Trong năm đã ưu tiên kiểm soát, thanh toán nhanh, kịp thời các khoản chi đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.
Kết quả thu NSNN năm 2022 tính đến hết ngày 05/5/2022 trên địa bàn tỉnh Nam Định là 3.405/6.600 triệu đồng, bằng 51,6% dự toán, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước; trong đó số thu NSNN bằng chuyển khoản qua ngân hàng đạt 98,4% |
Đồng thời quán triệt tới từng công chức trong đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; tập trung vào công việc, không để ách tắc hoặc bỏ sót công việc gây ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của KBNN Nam Định. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) nhằm nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN.
Tổng số tiền kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua Kho bạc trong 4 tháng đầu năm 2022 (tính đến hết 05/5/2022) là 3.476/10.047 triệu đồng, bằng 34,6% dự toán. Trong quá trình kiểm soát thanh toán, KBNN Nam Định đã đề nghị các đơn vị bổ sung những món chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định là 3.279 món với số tiền là 7.320 triệu đồng, từ chối thanh toán là 31 món với số tiền 2.019 triệu đồng.
Tổng số tiền giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản qua Kho bạc tính đến hết 05/5/2022 là 1.148.083 triệu đồng, bằng 22% kế hoạch. Trong quá trình kiểm soát thanh toán, KBNN Nam Định đã đề nghị các đơn vị bổ sung những món chi chưa đủ thủ tục theo quy định là 800 món với số tiền là 542.224 triệu đồng, từ chối thanh toán là 34 món với số tiền 15.060 triệu đồng.
Trên cơ sở Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về TTHC thuộc lĩnh vực KBNN, KBNN Nam Định tiếp tục quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức chấp hành nghiêm quy trình nghiệp vụ đảm bảo thời gian thanh toán theo đúng quy định đối với từng khoản chi. Ngoài ra, KBNN Nam Định sẽ phối hợp kịp thời với các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử liên quan đến hoạt động nghiệp vụ KBNN. Chấp hành nghiêm các quy định về việc đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị với KBNN theo đúng quy định tại Thông tư 18/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động giao dịch điện tử nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức của đơn vị trong việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số, tài khoản trong giao dịch chi tiêu ngân sách.
Mục tiêu của KBNN là hướng đến kho bạc số vào năm 2030. Theo đó, tới đây, hệ thống KBNN sẽ hình thành cơ sở dữ liệu tập trung và kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, đơn vị liên quan; xây dựng và hoàn thiện nền tảng kho bạc số, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ của KBNN; phát triển kho bạc số dựa trên công nghệ kỹ thuật số; đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI