NAM ĐỊNH

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

10:15:54 | 15/7/2022

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng, NHNN tỉnh Nam Định và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã chủ động, quyết liệt và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ, góp phần cùng toàn ngành thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, hỗ trợ các thành phần kinh tế tiếp cận vốn tín dụng, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh.

Đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả

Tính đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 87.134 tỷ đồng, tăng 9.065 tỷ đồng (11,6%) so với đầu năm; quý I/2022 đạt 91.897 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm.

Tổng dư nợ cho vay đạt 80.937 tỷ đồng, tăng 11.270 tỷ đồng (16,2%) so với đầu năm; quý I/2022 đạt 85.793 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Chất lượng tín dụng đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu thấp (0,44%), đảm bảo duy trì ở mức dưới 3% theo đúng chỉ đạo của NHNN.

Về cho vay doanh nghiệp (DN), đến cuối quý I/2022 có dư nợ 26.482 tỷ đồng, chiếm 30,87% tổng dư nợ cho vay, với 1.848 DN, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,7%; trong đó cho vay DN nhỏ và vừa 16.043 tỷ đồng, chiếm 60,6% dư nợ cho vay doanh nghiệp.

Tín dụng tăng trưởng tốt, chất lượng tín dụng được đảm bảo, bên cạnh đó NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, cho vay mới theo Thông tư số 01 của Thống đốc, đồng thời thiết lập số điện thoại đường dây nóng và thành lập bộ phận thường trực tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của DN, người dân liên quan đến Thông tư số 01 qua đường dây nóng (Giám đốc NHNN tỉnh trực tiếp là trưởng bộ phận), đảm bảo việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng được thực hiện kịp thời, thiết thực, hiệu quả; giảm phí dịch vụ thanh toán; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai các sản phẩm dịch vụ trực tuyến an toàn hiện đại với nhiều tiện ích, tạo điều kiện để khách hàng không phải giao dịch trực tiếp tại ngân hàng… Những giải pháp trên đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN cũng như hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - DN

Chương trình kết nối Ngân hàng - DN đã được ngành Ngân hàng Nam Định triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay.

Việc triển khai trương trình được thực hiện dưới nhiều hình thức như thông qua Hội nghị đối thoại và kết nối Ngân hàng - DN do UBND tỉnh tổ chức, Hội nghị do ngành Ngân hàng Nam Định tổ chức và Hội nghị ký kết hợp đồng tín dụng trực tiếp tại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm tiếp cận, hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng kết nối các DN mới, DN khởi nghiệp, DN có uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi… để có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất và dịch vụ ngân hàng, tạo được sự đồng thuận, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng DN trên địa bàn. Lũy kế đến nay đã có 322 khách hàng tham gia chương trình, tổng số tiền các NHTM cam kết cho vay là 12.351 tỷ đồng, đã giải ngân 12.175 tỷ đồng, bằng 98,5% so với cam kết.

Hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng

Trong những năm qua, mạng lưới các TCTD trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng, nhất là về khu vực nông thôn. Đến nay toàn tỉnh hiện có 24 chi nhánh TCTD cấp I (gồm 7 chi nhánh NHTM nhà nước, 14 chi nhánh NHTM cổ phần, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Phát triển khu vực Hà Nam Ninh), 42 Quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh NHTM cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 115 phòng giao dịch, 213 ATM và 405 điểm chấp nhận thẻ (POS). Bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có trên 3,6 điểm giao dịch ngân hàng, cùng với đó là mạng lưới trên 6.000 tổ vay vốn và tiết kiệm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng của DN, người dân trên địa bàn tỉnh.

NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đảm bảo an toàn, tiện ích. Tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhằm nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế, tạo điều kiện cho DN và các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng.

Trong năm 2021, NHNN tỉnh đã thực hiện chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng từ ISO 9001:2008 sang ISO 9001:2015 và công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Các quy trình giải quyết thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai tại trụ sở Chi nhánh, đảm bảo đơn giản, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, cá nhân.

Nguồn: Vietnam Business Forum