Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) được tỉnh Nam Định quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực. Các đề tài, dự án KH&CN được thực hiện có tính ứng dụng cao, từng bước đổi mới phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2015 đến nay, Sở KH&CN tỉnh Nam Định đã tổ chức quản lý và triển khai thực hiện trên 80 đề tài, dự án KH&CN trên các lĩnh vực: Khoa học xã hội nhân văn, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, kỹ thuật dân dụng... Các đề tài, dự án KH&CN đang triển khai thực hiện đều hướng vào ứng dụng nhanh, rộng rãi và có hiệu quả các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn. Có thể kể đến một số ứng dụng như: ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa giống mới; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và phương pháp khí canh; ứng dụng công nghệ chăn nuôi trang trại khép kín, trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm lợn, gia cầm; ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất thức ăn chăn nuôi; ứng dụng công nghệ sản xuất muối sạch, với công suất 22.000 tấn muối tinh/năm;…
Bên cạnh đó, Sở cũng làm tốt công tác tham gia ý kiến về công nghệ với hơn 30 dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án quan trọng như: Dự án đầu tư xây dựng trại thực nghiệm công nghệ cao giống gia súc gia cầm đặc sản Hải Sơn; Đề án chuyển đổi mô hình quản lý Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Xá, tỉnh Nam Định; dự án Khu liên hợp xử lý rác thải phía Bắc huyện Trực Ninh tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh… Hỗ trợ tài chính cho hơn 70 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa theo Nghị quyết 42/2017-HĐND của HĐND tỉnh. Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho hầu hết các sản phẩm là đặc sản, sản phẩm truyền thống của địa phương, như: Nhãn hiệu chứng nhận “Bánh nhãn Hải Hậu”; nhãn hiệu tập thể “cơ khí Xuân Tiến”; nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định”.
Tuy vậy, hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của tỉnh nhìn chung vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nguồn lực đầu tư cho KH&CN còn hạn chế dẫn tới hiệu quả của đề tài, dự án chưa thực sự mang lại đột phá, thúc đẩy sự phát triển như kỳ vọng; chưa có cơ chế đủ mạnh để thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp ít quan tâm đến đổi mới công nghệ và ứng dụng các công cụ tiên tiến vào quản lý, chưa nhận thức đầy đủ về việc bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu đối với các sản phẩm, hàng hóa,…
Để KH&CN thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, Nam Định sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo đã được Bộ KH&CN và UBND tỉnh ban hành. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, trong đó chú trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, y tế, bảo vệ môi trường. Tiếp tục nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của tỉnh và khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tàu thực hiện sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, thông qua áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở khoa học công nghệ gắn với việc phát triển các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI