NAM ĐỊNH

Ngành Công Thương: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

09:30:02 | 15/7/2022

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD) được ngành Công Thương tỉnh Nam Định tập trung thực hiện, qua đó mang lại hiệu quả rõ rệt. Hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại đạt mức tăng trưởng khá. Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn bà Vũ Thị Kim, Giám đốc Sở Công Thương Nam Định về nội dung này. Ngọc Dũng thực hiện.

Bà có thể chia sẻ đôi nét về những thành tựu nổi bật mà ngành Công Thương Nam Định đạt được trong thời gian qua?

Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Nam Định thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Sở cũng đã triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ và các Kế hoạch của UBND tỉnh về nhiệm vụ hỗ trợ DN trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, thương mại để đẩy mạnh phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm vẫn ổn định và tăng trưởng, cụ thể như sau:

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Các ngành tăng trưởng cao gồm: chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải…

Về hoạt động thương mại, giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 873,7 triệu USD, tăng 16,1% so cùng kỳ; giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 502,1 triệu USD, tăng 20,7% so cùng kỳ năm trước.

Việc mở cửa trở lại các hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 19.419,1 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ làm tốt công tác quản lý nên trong trong thời kỳ Covid-19 và hậu Covid-19, tất cả các chợ dân sinh, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, giá cả tương đối ổn định.

Đồng hành cùng DN phục hồi SXKD, ngành Công Thương tỉnh tập trung thực hiện những hoạt động, giải pháp nào?

Sở Công Thương đã triển khai chính sách hỗ trợ giảm tiền điện cho người dân, DN; tổ chức gặp gỡ các hiệp hội, nhà đầu tư nhằm chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động SXKD.

Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn luôn được đảm bảo. Đa số các DN đã tái khởi động phục hồi SXKD, tạo thế vững chắc cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá xăng dầu, Sở đã kịp thời tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình dự trữ, cung ứng xăng dầu, chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của các thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

Đâu là những lĩnh vực ngành Công Thương tập trung ưu tiên trong thời gian tới và các giải pháp nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho ngành, thưa bà?

Ngành Công Thương Nam Định xác định phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ thành các ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, phấn đấu tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đạt 89% GDP của tỉnh vào năm 2025.

Cụ thể, các chỉ tiêu phát triển chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025: chỉ số sản xuất công nghiệp hàng năm tăng từ 14% đến 14,5%; tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn năm 2025 đạt trên 4,0 tỷ USD; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 12%/năm.

Theo đó, ngành Công Thương đưa ra định hướng phát triển công nghiệp trên cơ sở ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ, kỹ thuật cao, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: Cơ khí chế tạo, điện - điện tử; hoá chất, dược phẩm, công nghệ sinh học; công nghiệp hỗ trợ. Đầu tư mới, mở rộng quy mô, đầu tư chiều sâu, đổi mới nâng cao công nghệ, năng suất, chất lượng sản phẩm cho các ngành công nghiệp như: Dệt may; chế biến nông sản thực phẩm. Tập trung phát triển công nghiệp chủ lực, quy mô lớn, đồng thời coi trọng công nghiệp vừa và nhỏ để huy động mọi nguồn vốn phát triển công nghiệp. Tiếp tục phối hợp cùng các ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN ổn định SXKD.

Trân trọng cảm ơn bà!

 

Nguồn: Vietnam Business Forum