Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức ngành Tài chính Nam Định, nhiệm vụ tài chính năm 2022 đang đạt được một số kết quả khá tích cực, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Thời gian qua, Sở Tài chính Nam Định đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế chính sách về tài chính, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể như: Thực hiện phân cấp triệt để nhiệm vụ chi, tạo sự chủ động trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách tại các địa phương, đơn vị, phân cấp về quản lý, sử dụng và mua sắm tài sản công, giao quyền tự chủ về tài chính đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, chính sách BHYT cho người cận nghèo, chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý giá địa phương, công tác bình ổn giá, xác định đơn giá cho thuê đất, thuê mặt nước, giá đền bù giải phóng mặt bằng, tham gia trình UBND tỉnh mua sắm, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước của các đơn vị theo đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế, quản lý tài chính ngân sách, góp phần giữ vững ổn định chính trị tại địa phương.
Nhờ chủ động trong triển khai thực hiện, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quý I đạt 2.812 tỷ đồng, bằng 43% dự toán năm và tăng 93% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa thực hiện 03 tháng là 2.526.165 triệu đồng, đạt 42% dự toán, bằng 186% so với cùng kỳ. Thu ngoài quốc doanh: 273.997 triệu đồng, đạt 33% so với dự toán; thu tiền sử dụng đất: 1.505.948 triệu đồng, đạt 59% so với dự toán. Các khoản thu khác còn lại: 746.220 triệu đồng, đạt 29% so với dự toán. Thu thuế xuất nhập khẩu: 282.999 triệu đồng, đạt 47% dự toán; thu huy động đóng góp: 2.473 triệu đồng.
Cùng với công tác thu, công tác quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước (NSNN) được Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh điều hành linh hoạt, chủ động, tích cực với phương châm chặt chẽ, tiết kiệm, xuyên suốt từ khâu phân bổ dự toán cho đến quá trình thực hiện. Tổng chi NSNN đạt 3.784 tỷ đồng, bằng 26% dự toán năm; trong đó: Chi xây dựng cơ bản (XDCB) và sự nghiệp có tính chất XDCB: 1.805.317 triệu đồng, đạt 37% dự toán, bằng 79% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên: 1.978.521 triệu đồng, đạt 21% dự toán, bằng 109% so với cùng kỳ, bao gồm một số khoản chi lớn như sau: Chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo: 840.753 triệu đồng, đạt 22% dự toán; Chi sự nghiệp y tế: 214.140 triệu đồng, đạt 21% dự toán; Chi đảm bảo xã hội: 261.012 triệu đồng, đạt 29% dự toán; Chi quản lý hành chính: 349.559 triệu đồng, đạt 22% dự toán.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Sở Tài chính đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách tại địa phương. Quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu - chi NSNN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022.
Xác định trong bối cảnh tình hình kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhiệm vụ thu các tháng cuối năm là hết sức khó khăn, nặng nề đòi hỏi tỉnh phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, các ngành các địa phương phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những tháng cuối năm, ngành Tài chính đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như:
Phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách theo quy định; đồng thời tăng cường quản lý chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu NSNN.
Chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh và các đơn vị liên quan quản lý và sử dụng chặt chẽ, hiệu quả NSNN. Triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; tăng cường công tác kiểm soát chi, bảo đảm chi đúng, chi đủ, có hiệu quả; thực hiện tốt chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách đã được giao trong dự toán đầu năm, nhưng chưa thực hiện phân bổ theo quy định.
Tích cực phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch hàng năm. Thường xuyên rà soát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán. Tập trung đôn đốc các chủ đầu tư và hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh, quyết toán, giải ngân vốn đầu tư công theo quy định; góp phần đưa tỉnh Nam Định là một trong số những tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước.
Triển khai thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tích cực phối hợp các cấp, các ngành làm tốt công tác thẩm định giá để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, xác định nghĩa vụ tài chính đối với các tổ chức, doanh nghiệp thuê đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Tiếp tục hoàn thiện cơ dữ liệu về giá trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả công tác thẩm định đấu thầu mua sắm tài sản theo quy định của Luật đấu thầu và các văn bản nhà nước hiện hành.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; nhất là đối với các cơ sở nhà đất thuộc diện phải sắp xếp, thanh lý, điều chuyển để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công, vừa góp phần tạo nguồn lực cho tỉnh để đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI