NAM ĐỊNH

Hoàn thiện mạng lưới đô thị

10:03:48 | 15/7/2022

Phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương. Để hiểu rõ hơn về công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển không gian đô thị của tỉnh Nam Định, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nam Định. Nguyễn Bách thực hiện.

Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển không gian đô thị đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vậy thời gian qua, công tác này đã được Sở Xây dựng tỉnh Nam Định thực hiện như thế nào, thưa ông?

Với mục tiêu từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn phát triển, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững và giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hóa vùng miền của mỗi đô thị, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3023/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch các thị trấn trung tâm huyện đảm bảo phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, có khả năng tạo đột phá về hạ tầng đô thị; đảm bảo tính liên kết vùng hiện đại, đồng bộ; đa dạng hóa các nguồn lực; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, là công cụ quan trọng, hữu hiệu để quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong xu thế mới. Đồng thời góp phần hình thành các cực đô thị phát triển, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hài hoà với môi trường, tăng tỷ lệ đô thị hoá nông thôn.

Nhiều đồ án quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh đã và đang được hoàn thành góp phần phát triển nhanh mạng lưới cơ sở hạ tầng, các công trình đô thị, nhà ở… như: Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040; Điều chỉnh quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý; Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên…

Nhờ nỗ lực triển khai công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển không gian đô thị, hiện nay, toàn tỉnh đã có thành phố Nam Định là đô thị loại I; thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là đô thị loại IV và 15 đô thị loại V. Trong các đô thị loại V có 9 thị trấn huyện lỵ (Lâm, Nam Giang, Ngô Đồng, Yên Định, Gôi, Liễu Đề, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Cổ Lễ) và 6 thị trấn trung tâm thị tứ tiểu vùng (Quỹ Nhất, Cát Thành, Ninh Cường, Rạng Đông, Quất Lâm, Cồn). Các đô thị đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng trên địa bàn tỉnh.

Riêng với thành phố Nam Định - đô thị loại I và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, ngày 4/11/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2401/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2030. Ông có thể cho biết tỉnh Nam Định phát triển các khu chức năng và xây dựng chương trình phát triển đô thị thành phố ra sao?

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và căn cứ thực tế tiềm năng, yêu cầu định hướng các khu vực phát triển đô thị trong giai đoạn 2021-2030 thành phố Nam Định gồm 8 khu vực chính: khu trung tâm đô thị hiện hữu; khu vực phát triển đan xen phía Nam vành đai 1 (Quốc lộ 10); khu đô thị dịch vụ, thương mại phía Tây Bắc thành phố; trung tâm cửa ngõ phía Tây đường vành đai 1; khu đô thị mới Nam sông Đào; khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư phía Tây thành phố; khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái, thể dục thể thao phía Nam sông Châu Giang và khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái phía Nam thành phố.

Để từng bước thực hiện chương trình, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục các dự án đầu tư xây dựng theo từng giai đoạn, gồm nhóm các dự án về hạ tầng xã hội (nhà ở, công trình hành chính, y tế - giáo dục, công trình văn hoá - thể dục thể thao, công viên cây xanh và thương mại dịch vụ) và nhóm các dự án hạ tầng kỹ thuật (giao thông; cấp nước; thu gom và xử lý nước mưa, nước thải…). Trong nhóm các dự án về hạ tầng xã hội, điểm nhấn của Chương trình là các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố gồm các dự án xây dựng các khu đô thị mới Nguyễn Công Trứ, Lộc Vượng, Nam Phong - Nam Vân, khu đô thị mới phía Nam thành phố, khu đô thị mới Phú Ốc... và hoàn thiện các khu đô thị đã triển khai.

Nhóm công trình văn hóa, thể dục thể thao gồm: Hoàn thiện đầu tư xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần, quy hoạch xây dựng trung tâm văn hoá phía Nam thành phố (trung tâm hội chợ, triển lãm); đầu tư xây dựng các công trình thể dục thể thao tại các khu đô thị mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thể dục thể thao hiện có. Tiếp tục đẩy mạnh, hình thành các khu dịch vụ thương mại tập trung tại khu vực phía Bắc hai bên đại lộ Thiên Trường, đường Lê Đức Thọ, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong.

Đối với nhóm các dự án về hạ tầng kỹ thuật, điểm nhấn là các dự án cải tạo và nâng cấp các tuyến quốc lộ 10, 38B, 21, 21B; xây dựng đường gom quốc lộ 10 đoạn từ đường Lộc Vượng đến đường Phù Nghĩa; xây dựng đường vành đai II (cầu Tân Phong đến quốc lộ 21B); xây dựng đường trục chính gắn kết cửa ngõ phía Tây và các trục đường tại khu vực phía Tây Bắc thành phố; xây dựng đường trục phía Nam thành phố (đoạn từ Vũ Hữu Lợi đến quốc lộ 21); xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi...

Trong thời gian tới, để công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị “đi trước một bước” trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sở Xây dựng tiếp tục triển khai những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Sở Xây dựng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, chủ động tham mưu các nhiệm vụ quy hoạch để sớm phủ kín các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời vướng mắc trong hoạt động xây dựng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, trọng tâm là các dự án trọng điểm để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh. Chú trọng cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật về xây dựng. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh và UBND các địa phương để giải quyết nhanh các thủ tục, hồ sơ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và chất lượng xây dựng công trình.

Đồng thời, chỉ đạo các nhà đầu tư, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập, trình duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, tổ chức khi lập, điều chỉnh quy hoạch; tổ chức công khai các quy hoạch đã được phê duyệt, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng theo trình tự, quy định của pháp luật...

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguồn: Vietnam Business Forum