Trong những năm qua, Thanh tra tỉnh Nam Định đã tích cực nghiên cứu, đề xuất để tỉnh thực hiện nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương. Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Ngọc Văn - Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định. Duy Bình thực hiện.
![]() |
Nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), Thanh tra tỉnh Nam Định đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và thống nhất chương trình thanh tra hàng năm đối với DN như thế nào, thưa ông?
Thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, ngày 30/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN trên địa bàn tỉnh Nam Định. Theo đó, giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý triệt để chồng chéo trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN; đảm bảo mỗi năm một DN chỉ phải tiếp, làm việc với một đoàn thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất khi DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Thanh tra tỉnh đã phối hợp tốt với các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra tập trung xử lý triệt để vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Từ cuối năm 2019, Thanh tra tỉnh đã xây dựng, triển khai sử dụng trên toàn tỉnh phần mềm cơ sở dữ liệu về thanh tra để quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra; hàng năm khi xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra, Thanh tra tỉnh giao Văn phòng nhập dự kiến chương trình công tác của Kiểm toán nhà nước; yêu cầu các huyện, thành phố, sở, ngành nhập dự kiến chương trình kế hoạch thanh, kiểm tra của đơn vị mình vào cơ sở dữ liệu thanh tra (khi nhập phải ưu tiên chương trình công tác của Kiểm toán Nhà nước).Trong quá trình nhập dự kiến kế hoạch thanh kiểm tra, giữa các đơn vị nếu thấy chồng chéo thì tự thống nhất với nhau để điều chỉnh. Trong trường hợp không thống nhất được sẽ báo cáo Thanh tra tỉnh, Thanh tra tỉnh sẽ tổ chức họp để xử lý.
Sau khi kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm được thủ trưởng các cấp, các ngành phê duyệt sẽ được thông báo đến từng đối tượng được thanh tra. Các DN sau khi nhận được thông báo kế hoạch thanh kiểm tra nếu thấy có chồng chéo sẽ có ý kiến phản hồi về Thanh tra tỉnh, Thanh tra tỉnh sẽ yêu cầu các đơn vị thanh tra điều chỉnh kế hoạch thanh tra (Những năm gần đây Thanh tra tỉnh chưa nhận được ý kiến phản hồi nào của DN đối với nội dung này).
Công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, đảm bảo các cuộc thanh tra khách quan, chất lượng, hiệu quả, không tiêu cực, đúng tiến độ; tăng cường đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đã được Thanh tra tỉnh chú trọng ra sao?
Trong những năm qua, công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và theo dõi đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 33 ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra luôn được Thanh tra tỉnh quan tâm, chú trọng.
Năm 2017, Thanh tra tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh và ngày 12/6/2017 Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1295/QĐ-UBND về việc thành lập Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh.
Sau khi thành lập, công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và theo dõi đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra được giao cho Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra thực hiện.
Khi ban hành Quyết định thanh tra, Chánh thanh tra đồng thời ban hành Quyết định giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện nghiêm theo quy định tại Thông tư 05/2015/TT- TTCP ngày 10/9/2015 nay được thay thế bởi Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Từ khi Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ có hiệu lực thi hành, việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra được Chánh Thanh tra tỉnh giao cho một số thanh tra viên (trong đó có đồng chí trực tiếp giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra).
Kết luận thanh tra sau khi ban hành được công khai theo đúng quy định và được chuyển Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị và các quyết định xử lý sau thanh tra. Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra phân công cán bộ trực tiếp theo dõi đôn đốc việc thực hiện đối với từng kết luận thanh tra cụ thể; người được phân công theo dõi, đôn đốc mở hồ sơ theo dõi, kết thúc theo dõi, đôn đốc lập báo cáo, báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh cho kết thúc theo dõi, đôn đốc đưa hồ sơ vào lưu trữ theo quy định.
Đối với Thanh tra các huyện, sở, ngành không có bộ phận theo dõi đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra chuyên trách thì giao cho các Đoàn thanh tra trực tiếp theo dõi đôn đốc.
Nhìn chung, trong những năm gần đây, các kết luận, kiến nghị và các quyết định xử lý sau thanh tra đều được các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm túc; hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra ngày càng được nâng cao.
Ông có thể cho biết một số giải pháp nâng cao chất lượng cải cách hành chính của ngành Thanh tra tỉnh Nam Định?
Sử dụng, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra của tỉnh để phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị thanh tra, xác định nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm để ban hành quyết định thanh tra; chỉ đạo trưởng Đoàn thanh tra xây dựng Kế hoạch tiến hành thanh tra phải thật cụ thể chi tiết, chú trọng phạm vi, nội dung và phương pháp tiến hành thanh tra; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn thanh tra phải phù hợp năng lực sở trường của từng thành viên; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, kinh phí và những điều kiện vật chất cần thiết phục vụ hoạt động của Đoàn thanh tra.
Đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành trong hoạt động thanh tra. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra để nâng cao hiệu quả, chất lượng các cuộc thanh tra, rút ngắn thời gian thanh tra trực tiếp tại đơn vị, từ đó tiết kiệm được thời gian, kinh phí của cơ quan thanh tra, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
Nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra đảm bảo tính chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi khi thực hiện; khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc ban hành kết luận thanh tra.
Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhất là về kỹ năng tác nghiệp thanh tra, kỹ năng tham mưu kết luận và kiến nghị xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra. Chú trọng việc giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử cho cán bộ làm công tác thanh tra.
Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc thanh tra.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum