Xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh,… Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo đã đặt ra.
Phát triển đồng bộ nhiều lĩnh vực
Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu) với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển); có bờ biển dài 72km là một trong những “mắt xích” quan trọng trong hệ thống biển, đảo cả nước. Những năm qua, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh… Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp,... góp phần tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng ven biển nói riêng.
Đặc biệt, Khu cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đạt tiêu chuẩn cảng cá loại I đầu tiên của cả nước theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Đây là một trong những điều kiện cơ sở để sản phẩm đánh bắt, chế biến của tỉnh có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, thị trường xuất khẩu chính ngạch. Đến nay, trong tổng thể Khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh đã đầu tư dự án Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Cụm công nghiệp (CCN) Thịnh Lâm, huyện Giao Thủy; đầu tư xây dựng tổng kho và sản xuất nhập khẩu xăng dầu tại cửa biển Lạch Giang và đang tập trung thực hiện các thủ tục để sớm khởi công Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1.
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đẩy mạnh đầu tư hàng loạt công trình, dự án giao thông đường bộ, đường thủy để phục vụ mục tiêu phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh. Đáng chú ý là Dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định: Dự án hoàn thành sẽ tạo tiền đề thúc đẩy việc khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, thu hút đầu tư, tạo việc làm và phát triển du lịch, phát huy lợi thế của vùng đất giàu tiềm năng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX.
Trong lĩnh vực công nghiệp, 3 huyện có biển của tỉnh hiện đã thu hút gần 900 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Sản xuất nông nghiệp tại đây cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt và từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản của 3 huyện ven biển trong những năm qua không ngừng tăng lên. Cùng với đó, nuôi thủy sản được khuyến khích, hỗ trợ để thay đổi phương thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật. Ngành khai thác hải sản được định hướng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác, phòng chống, ngăn chặn khai thác IUU.
Bên cạnh phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản, ngành công nghiệp chế biến cũng được đầu tư phát triển chiều sâu. Trong đó chế biến truyền thống chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn, hoàn thiện quy trình, đầu tư cho quảng bá xây dựng thương hiệu theo xu thế thị trường. Một số sản phẩm thủy sản của tỉnh đã định vị được thương hiệu trên thị trường như cá bống bớp Nghĩa Hưng, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, nước mắm Giao Châu, tôm tươi sống, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal, ngao sạch Lenger.
Cùng với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp, Nam Định cũng tập trung phát triển du lịch biển, đưa vào khai thác giá trị hai khu vực đất ngập nước ven biển quan trọng là Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm trên địa bàn huyện Giao Thủy và khu vực bãi bồi ven biển nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Hai khu vực này nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận từ năm 2004.
Huy động mọi nguồn lực để khai thác lợi thế vùng biển
Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng biển, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đã có những kế hoạch hành động cụ thể và thiết thực. Theo đó, tiếp tục tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển. Trước mắt, tập trung phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để triển khai đúng tiến độ dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I; sớm đưa vào hoạt động Dự án Tổng kho xăng dầu và cảng xuất - nhập xăng dầu tại cửa Lạch Giang. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng: tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Khẩn trương hoàn thành giai đoạn I và thu hút nhà đầu tư thứ cấp cơ bản lấp đầy KCN Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng và CCN Thịnh Lâm, huyện Giao Thủy.
Giai đoạn từ nay đến 2025, các ngành, các địa phương tập trung thành lập và đưa vào hoạt động Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch; dần hình thành các đô thị, khu dân cư ven biển theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh; quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh. Khai thác hiệu quả các công trình đã được đầu tư nâng cấp tại khu vực cửa Lạch Giang, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, cảng Hải Thịnh, tận dụng triệt để lợi thế tiềm năng vận tải biển để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường biển, thúc đẩy việc giao thương hàng hóa với nước ngoài…
Tỉnh cũng tập trung mở rộng không gian du lịch, phát triển đa dạng các chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch, nhất là các sản phẩm hàng hóa du lịch từ tài nguyên biển. Đồng thời tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển công nghiệp ven biển, chú trọng thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dự án sử dụng công nghệ nguồn vào các khu kinh tế, KCN ven biển…
Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI