Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Kiên Giang đã chủ trương tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị đối với ngành hàng xuất khẩu chủ lực và ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao (CNC), thân thiện với môi trường... Việc đẩy mạnh tái cơ cấu cũng sẽ “mở đường” thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Mô hình nuôi tôm cua kết hợp của nông dân phường Đồng Hồ, TP.Hà Tiên đã biến vùng đất phèn mặn hoang hóa một thời nay trở nên trù phú
Hiệu quả từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Kết quả trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản bình quân (giá so sánh 2010) đạt 3,33%/năm. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt 42.712 tỷ đồng (theo giá hiện hành); đạt 130,2% so với kế hoạch; chiếm 41,92% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Sản lượng lúa đạt 4.508.906/4.295.000 tấn, vượt 4,98% so kế hoạch; lúa chất lượng cao chiếm 93,85% (kế hoạch 80%). Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 845.330/799.000 tấn, vượt 6,92% so với kế hoạch và tăng 2,17% so với năm 2020.
Đến cuối năm 2021, Kiên Giang đã xây dựng được 783 cánh đồng với diện tích 74.968ha; trong đó, số cánh đồng lớn gắn liên kết tiêu thụ là 651 cánh đồng với diện tích 53.478ha, tăng 74,35% so với năm trước. Toàn tỉnh đã xây dựng 107/120 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên, đạt 89% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM có kết quả đột phá, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 90/116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 77,6%); bình quân toàn tỉnh đạt 18,2 tiêu chí/xã.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Kiên Giang sẽ tiếp tục thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với mục tiêu là chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và gắn với xây dựng NTM.
Thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng CNC
Kiên Giang có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và được định hướng tập trung phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025. Đến nay, trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất gắn với vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất quy mô lớn, tập trung.
Trong đó, Vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm TP.Rạch Giá, TP.Hà Tiên và các huyện: Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành) sẽ tiếp tục phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp tập trung (Kiên Lương, Hà Tiên, Giang Thành); phát triển nuôi biển tại các khu vực ven biển, ven đảo (Hà Tiên, Kiên Lương); tập trung sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ở Hòn Đất, Kiên Lương.
Vùng Tây Sông Hậu (gồm các huyện: Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao): Là vùng động lực chính về phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy - sản.
Vùng U Minh Thượng (gồm các huyện: An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng): Tiếp tục phát triển mô hình tôm - lúa hữu cơ và nuôi xen cua, tôm càng xanh để gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích; phát triển nông nghiệp vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng như cây ăn quả, rau màu, mô hình lúa - cá nước ngọt; nuôi trồng thủy sản ven biển như sò huyết, vẹm xanh ở An Biên, An Minh.
Vùng hải đảo (gồm: Kiên Hải, Phú Quốc): Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi công nghiệp, CNC (triển khai các dự án nuôi biển ở Kiên Hải và thu hút đầu tư dự án cảng nước sâu Nam Du).
Tính đến nay, tỉnh đã xây dựng được 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được công nhận, gồm: Vùng nông nghiệp CNC Trung Sơn Kiên Giang; vùng lúa ứng dụng CNC Trung An Kiên Giang; Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC nuôi trồng thủy sản Minh Phú Kiên Giang.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, điển hình như Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 27/01/2022 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 332/2020/NQ-HĐND ngày 20/7/2020 của HĐND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2020 - 2025 (dự kiến hỗ trợ cho 80 doanh nghiệp với tổng kinh phí khoảng 128 tỷ đồng).
Kiên Giang cũng chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư để thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản. Tùy vào thế mạnh của từng vùng sản xuất, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cầu nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức như tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX trong tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp để hướng đến sản xuất an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để lồng ghép các chính sách khuyến khích, hỗ trợ; triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt, tạo cơ sở cho doanh nghiệp đầu tư dự án.n
Giang Dương (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI