Từ việc đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng kết nối giữa các huyện, thành thị, hình thành liên kết vùng, huyện Gò Quao đã tạo sức bật trong thu hút đầu tư, góp phần thực hiện khâu đột phá “cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh”.
Trồng khóm theo mô hình VietGAP của nông dân xã Vĩnh Phước A (huyện Gò Quao) đem lại hiệu quả kinh tế cao
Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế
Huyện Gò Quao nằm ở phía Đông của tỉnh Kiên Giang, giáp ranh thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) với hệ thống giao thông kết nối gồm các tuyến: quốc lộ 61, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Hà Tiên - Cà Mau,… Ngoài ra, huyện còn có hệ thống giao thông đường thủy phía Nam chạy qua, tuyến sông Cái Lớn, Cái Bé thông ra biển Tây tạo điều kiện thuận tiện vận chuyển hàng hóa và phát triển nuôi trồng thủy sản.
Nằm giáp ranh giữa 2 vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm là Tây Sông Hậu và vùng U Minh, huyện Gò Quao có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, huyện tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất trên địa bàn 3.711 tỷ đồng, đạt 55,94% kế hoạch (tăng 8,62% so cùng kỳ); giá trị công nghiệp - xây dựng đạt 987,3 tỷ đồng, đạt 50,47% kế hoạch (tăng 6,81% so cùng kỳ); giá trị thương mại - dịch vụ 3.346 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch. Thu ngân sách 24,8 tỷ đồng, đạt 60,28% kế hoạch...
Ông Võ Văn Trà, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao cho biết, giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung phát triển theo hướng “tâm, tuyến hành lang, tiểu vùng phát triển”, lấy thị trấn Gò Quao làm trung tâm, các vùng phụ cận và các điểm dân cư khác làm vệ tinh. Trong đó, Tiểu vùng trung tâm (thị trấn Gò Quao, xã Định An và Vĩnh Phước B) định hướng phát triển mang tính tổng hợp, chất lượng cao, là điểm trung gian luân chuyển hàng hóa; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Huyện xác định sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và phát triển dịch vụ là trụ cột chính trong tăng trưởng kinh tế. Trong nông nghiệp, tập trung tái cơ cấu, liên kết tiêu thụ và xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái vườn. Đến hết năm 2020, toàn huyện có 10/10 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và được công nhận là huyện nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Gò Quao định hướng thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản - thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, may mặc, giày da,... Trong lĩnh vực thương mại, huyện tập trung phát triển hệ thống chợ truyền thống, chuỗi siêu thị - bách hóa xanh, mời gọi đầu tư chợ và khu dân cư Lục Phi (20ha), chợ và khu dân cư Vĩnh Tuy, Thới Quản…
Tuyến đường giao thông nông thôn ấp An Thuận, xã Định An (huyện Gò Quao) hoàn thiện, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng
Xác định cơ sở hạ tầng là động lực thu hút đầu tư, Gò Quao tập trung phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị. Huyện tranh thủ nguồn vốn bổ sung từ ngân sách và mời gọi đầu tư phát triển các công trình, dự án giao thông đã được quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện như: Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh 962 (Lộ Quẹo - Gò Quao - Vĩnh Tuy),… Giai đoạn 2021-2025, Gò Quao triển khai xây dựng 377km đường giao thông nông thôn.
Song song với đó, huyện chú trọng phát triển hạ tầng công nghiệp, với việc tập trung hoàn thành hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN); mở rộng CCN Cái Tư Gò Quao (quy mô 70ha); khu chế biến nông sản công nghệ cao Vĩnh Hòa Hưng Nam... nhằm giải quyết việc làm cho khoảng 10 ngàn lao động địa phương. Nâng cao đóng góp của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Về phát triển đô thị, huyện chủ trương mở rộng theo hướng từ trung tâm thị trấn Gò Quao đến các đô thị vệ tinh. Trong giai đoạn 2021-2025, triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị thị trấn Gò Quao theo Quyết định số 1423/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang. Giai đoạn 2026-2030, nâng chất các chỉ tiêu chất lượng đô thị thị trấn Gò Quao đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, huyện đặc biệt chú trọng đồng hành với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Theo đó, UBND huyện tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án. Thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục các dự án thu hút đầu tư; rà soát lại quy trình, thủ tục theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; thẩm định, lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách của huyện. Mặt khác, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường theo hướng hỗ trợ, đảm bảo nhanh, kịp thời, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Hương Giang (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI