Những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, số lao động được tạo việc làm tăng đều qua các năm; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng dần trong các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm trong nông nghiệp… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang trong tiết học thực hành
Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp
Hiện nay, Kiên Giang có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm: 03 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 10 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Các ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú với 49 ngành, nghề trình độ cao đẳng, 65 ngành, nghề trình độ trung cấp thuộc các lĩnh vực: kinh tế, xã hội; công nghệ kỹ thuật, dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn, y tế, văn hóa xã hội…
Các cơ sở GDNN đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực. Lực lượng trong độ tuổi lao động ngày càng nâng lên. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho gần 130.000 người; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt trên 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 50%.
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Giai đoạn 2016-2020, số người được tư vấn giới thiệu việc làm đạt hơn 190.000 lượt. Đặc biệt, đáp ứng xu hướng đào tạo phù hợp với thị trường, tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở GDNN đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề hoặc liên kết với cơ sở GDNN tổ chức tuyển dụng, đào tạo lao động.
Ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1686/QĐ-UBND ngày 05/7/2022 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung củng cố mạng lưới trường lớp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giai đoạn 2021-2025, Kiên Giang hỗ trợ, hoàn thiện đảm bảo hoạt động cho các cơ sở GDNN; tuyển sinh, đào tạo, đào tạo lại cho khoảng 115.000 người, phấn đấu có trên 85% người lao động qua đào tạo nghề có việc làm. Tăng quy mô tuyển sinh GDNN các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, giảm dần dạy nghề dưới 03 tháng.
Ngoài ra, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GDNN trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn có khả năng xã hội hóa cao, đặc biệt chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đáng chú ý, tỉnh Kiên Giang và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với Tổng cục GDNN, các doanh nghiệp tại TP.Phú Quốc tổ chức ngày Hội tuyển sinh năm 2022 với hơn 200 đại biểu của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở GDNN trong và ngoài tỉnh tham dự; phối hợp cùng các trường cao đẳng và trung cấp nghề, Hiệp hội Du lịch TP.Phú Quốc tổ chức ký kết với doanh nghiệp trên địa bàn Phú Quốc về đào tạo nghề và cung ứng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ sở GDNN tổ chức các phiên giao dịch; tư vấn, định hướng ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển; thông tin về thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ… Xây dựng Cổng thông tin lao động - việc làm và đào tạo nghề tỉnh Kiên Giang tại địa chỉ: https://laodongvieclam.kiengiang.gov.vn đến người lao động…
Sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang thực hành tại doanh nghiệp
Nỗ lực cải thiện chỉ số “Đào tạo lao động”
“Đào tạo lao động” là chỉ số quan trọng, có ý nghĩa đo lường, thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương.
Theo kết quả công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, chỉ số “Đào tạo lao động” của Kiên Giang đạt 4,78 điểm, giảm 0,75 điểm so với năm 2020, hạng thứ 59/63 tỉnh thành. Chỉ số này có 11 chỉ số thành phần, trong đó có 6 chỉ số được xếp thứ hạng cao và trung bình (tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá GDNN tại tỉnh có chất lượng tốt, xếp hạng thứ 7/63 tỉnh thành), còn lại một số thứ hạng ở mức thấp. Nguyên nhân là do năm qua, lao động phổ thông trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên có sự dịch chuyển lớn; các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, số lao động nghỉ việc về quê; học sinh, sinh viên, người học nghề sau tốt nghiệp còn thiếu tác phong, kỹ luật lao động, kỹ năng mềm... Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp phát triển nóng, đặc biệt là tại Phú Quốc, lao động trong tỉnh không đáp ứng kịp nên các doanh nghiệp, tập đoàn phải tuyển dụng lao động ngoài tỉnh với số lượng lớn. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải đầu tư đào tạo hoặc đào tạo lại, dẫn đến chi phí đào tạo lao động trong tổng chi phí kinh doanh cao.
Để khắc phục hạn chế trên và tăng điểm số chỉ số thành phần “Đào tạo lao động”, thu hút đầu tư, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh; đào tạo nghề gắn với thực hành, đúng nhu cầu của doanh nghiệp nhằm tạo “đầu ra” cho người học; mời doanh nghiệp tham gia xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo…
Cùng với đó, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, tay nghề, tác phong cho đối tượng lao động; tham mưu cơ chế, chính sách khuyến khích học nghề phù hợp; đa dạng các ngành nghề, trong đó quan tâm các ngành nghề thị trường cần...
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền; thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thành lập hoặc tham gia hoạt động GDNN; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức, trong đó tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm…
Trong tháng 7/2022, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tại TP.Phú Quốc về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Kiên Giang, trong đó có nội dung về cung ứng nguồn nhân lực. Hội nghị có sự tham dự của hơn 80 doanh nghiệp.
“Những giải pháp trên sẽ là nền tảng vững chắc để Kiên Giang phát triển toàn diện, bền vững, phát huy vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế - xã hội, tạo ra sức lan tỏa cho vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hồng Sơn khẳng định.
Ngọc Hân (Vietnam Business Forum)