Xác định giao thông cần “đi trước mở đường” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Kiên Giang đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại; tăng cường kết nối giữa các huyện, thành phố và hình thành liên kết vùng, tạo sức bật trong thu hút đầu tư.
Tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (khai thác từ năm 2021) giúp kết nối Kiên Giang với TP.Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh vùng Tứ giác Long Xuyên
Xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có sự phát triển vượt bậc, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Hiện hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gồm có 05 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 346,92km; đường thủy nội địa với 03 cảng (Tắc Cậu, cảng Rạch Giá, Hà Tiên), 22 bến hành khách, quy hoạch đường thủy có 6 tuyến; 02 cảng hàng không đang hoạt động khai thác... Cùng với đó là hệ thống quản lý vận tải công cộng với 157 tuyến vận tải, sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa tăng hàng năm bình quân từ 7-8%.
Nhìn chung, hạ tầng giao thông tỉnh đang từng bước hoàn thiện, tạo liên kết giữa các vùng miền; sẵn sàng kết nối tiềm năng, lợi thế; đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và phục vụ nhu cầu nhà đầu tư. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua địa bàn tỉnh 17km, đã bàn giao mặt bằng, khởi công trong năm 2022; đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh đã trình Quốc hội; hoàn chỉnh thảm cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trước năm 2025. Ngoài ra, Sở GTVT tỉnh cũng đang triển khai 7 dự án trọng điểm, trong đó có 5 dự án đang thi công.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, Sở đang lập đề xuất chủ trương đầu tư 02 dự án: Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 963 nối Kiên Giang - Hậu Giang và nhánh nối Giồng Riềng (Kiên Giang) với Thới Lai (Cần Thơ); đường ven biển đoạn An Biên - An Minh (giáp ranh tỉnh Cà Mau), đến năm 2025 sẽ hoàn thành đường ven biển qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch.
Ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang cho biết: Cụ thể hóa nội dung 03 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình số 09-Ctr/TU ngày 15/4/2021 của Tỉnh ủy, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang" với tổng vốn huy động đầu tư gần 27.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương trên 11.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương trên 7.500 tỷ đồng, huy động nguồn đầu tư trên 7.800 tỷ đồng.
Tỉnh tập trung xây dựng các tuyến đường bộ quan trọng nối liền các trung tâm, từ tỉnh xuống huyện và từ huyện về xã; các tuyến đường khu kinh tế, đường bộ dọc biên giới và hệ thống giao thông tĩnh; đầu tư xây dựng hải cảng, bến thủy và hệ thống giao thông tĩnh… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Về kêu gọi đầu tư, Quyết định số 542/QĐ-UBND ngày 28/02/2022 của UBND tỉnh đã xác định các danh mục đầu tư, hàng năm Sở GTVT sẽ phối hợp với các sở, ngành đưa vào danh mục ưu tiên để thu hút đầu tư. Đồng thời tăng cường năng lực quản lý và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong, ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh
Theo ông Lê Việt Bắc, những năm qua, Kiên Giang có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, trở thành một trong những điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL. Bên cạnh tiềm năng, lợi thế, tài nguyên thiên nhiên... thì yếu tố quan trọng chính là sự tin cậy về cơ chế, chính sách; môi trường đầu tư thông thoáng theo hướng cởi mở, thân thiện và minh bạch.
Góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực GTVT ở Kiên Giang có sự cải thiện rõ rệt. Công tác cải cách TTHC luôn được Sở GTVT quan tâm, thực hiện quyết liệt với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Sở thường xuyên rà soát, bãi bỏ các TTHC rườm rà, bất cập, rút ngắn thời gian giải quyết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC… Hiện Sở GTVT tỉnh đã thực hiện công khai đầy đủ, đúng quy định 115 TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở và một cửa của đơn vị trực thuộc liên quan, đạt 100%; 105 TTHC công mức độ 4; thể hiện 04 công khai (quy trình, thủ tục, thời gian, lệ phí)…
Thành Long (Vietnam Business Forum)