Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Kiên Giang đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, ngành chú trọng làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận đất đai, góp phần cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thúc đẩy thu hút đầu tư.
Quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên
Ông Phùng Quốc Bình - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang |
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quy hoạch, xây dựng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đối với phát triển kinh tế- xã hội, thời gian qua Kiên Giang luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện quản lý chặt chẽ về đất đai, quy hoạch và bảo vệ môi trường.
Ngành tập trung rà soát, đánh giá thực trạng và lập các đồ án quy hoạch xây dựng, nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch, đảm bảo các điều kiện tốt nhất theo quy định để thực hiện và thu hút đầu tư; đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng, sử dụng có hiệu quả quỹ đất. Cơ sở dữ liệu được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ cao…
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải và tài nguyên được chú trọng. Sở TN&MT tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát môi trường theo kế hoạch, chú trọng kiểm tra các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm…
Kiên Giang đang quan tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1176/QĐ-UBND ngày 11/5/2022 phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nhằm thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, có 26 dự án liên quan về tài nguyên, môi trường (cấp, thoát nước; xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn) trong tổng số 55 dự án kêu gọi đầu tư.
Đặc biệt, mới đây, tỉnh đã nhận được gói hỗ trợ kỹ thuật Quản lý nước bền vững Phú Quốc từ Ngân hàng thế giới (WB) có tổng giá trị 174 triệu USD, gồm 4 hợp phần. Dự án sẽ giúp Kiên Giang cải thiện an ninh về nước và quản lý tổng hợp tài nguyên nước cũng như giải quyết một vài công đoạn trong quản lý rác thải trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Tạo thuận lợi tiếp cận đất đai là “đòn bẩy” thúc đẩy thu hút đầu tư, thực hiện dự án tại Kiên Giang. Trong ảnh: Dự án Khu đô thị lấn biển Phú Cường - TP. Rạch Giác
Tạo thuận lợi tiếp cận đất đai
Ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang luôn xác định, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nói chung và chỉ số Tiếp cận đất đai nói riêng là thước đo của sự hấp dẫn, tin cậy không chỉ thu hút mà còn góp phần giữ chân các nhà đầu tư. Năm 2021, chỉ số “Tiếp cận đất đai” của tỉnh đạt 7,53 điểm, tăng 1,28 điểm so với năm 2020; hạng 9/63 cả nước, tăng 38 bậc so năm 2020; hạng 2/13 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đứng thứ 01/10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh Kiên Giang.
Đây là chỉ số thành phần tăng điểm nhiều nhất, vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra. Trong đó đặc biệt có nhiều chỉ số thành phần đứng đầu cả nước như: tỷ lệ doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh, tỷ lệ giải phóng mặt bằng, thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với giá thị trường…
Để có được kết quả trên, hằng năm Sở TN&MT tỉnh đều thực hiện rà soát, lập và hướng dẫn lập quy hoạch, công khai quy hoạch sử dụng đất, giá đất, quy hoạch quỹ đất còn chưa sử dụng… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Sở nhân rộng mô hình cung cấp thông tin đất đai thông qua phương thức điện tử. Đồng thời xây dựng phần mềm quy hoạch; phần mềm hỗ trợ lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Qua đó tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng truy cập thông tin đến từng thửa đất.
Bên cạnh đó, với nỗ lực đổi mới theo hướng “phục vụ”, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với quyết tâm cao nhất. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả kịp thời, đúng quy định. Chất lượng giải quyết TTHC ngày càng được cải thiện.
Hiện 05/15 địa phương trong tỉnh đã hoàn thành, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu địa chính; Phấn đấu đến cuối năm 2024 toàn bộ hồ sơ đất đai được vận hành. Song song đó, từ năm 2016 đến nay toàn bộ dữ liệu hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận đã được vận hành trên hệ thống mạng nội bộ; thời gian giải quyết thủ tục giảm ngay từ khâu tiếp nhận và quá trình xử lý hồ sơ.
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (thuộc Sở TN&MT) ủy quyền cho 15/15 Chi nhánh cấp huyện chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, pháp lý; hồ sơ cấp đổi huyện thẩm định chuyển về tỉnh đều được scan quét, cập nhật trên phần mềm Villis dùng chung, giúp thuận tiện tra cứu dữ liệu và khai thác thông tin khi có yêu cầu. Khi tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống mạng nội bộ tỉnh chỉ thực hiện việc đối soát thông tin và trình ký, thời gian giải quyết từ 2-4 ngày (giảm từ 3-5 ngày so với trước đây).
Không chỉ vậy, gỡ “nút thắt”, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư, Sở TN&MT tỉnh đã tích cực tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác GPMB. Sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ trương, chính sách bồi thường, hỗ trợ đất đai; Rà soát, xây dựng các khu tái định cư; Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể đến từng công đoạn của từng dự án;… Đối với các dự án lớn, trọng điểm, Sở thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, tăng cường thanh, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phùng Quốc Bình khẳng định, với những bứt phá mạnh mẽ và định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, chỉ số Tiếp cận đất đai sẽ tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy thu hút đầu tư vào Kiên Giang.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp nâng cao nhận thức của công chức, viên chức trong giải quyết các TTHC về đất đai với phương châm “kỷ cương, liêm chính, trách nhiệm”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường, hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính công khai, minh bạch... Từ đó góp phần tăng lợi thế chỉ số cạnh tranh của tỉnh, đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.n
Thành Nhân (Vietnam Business Forum)