Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị khóa IX "về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010" và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị khóa XI "về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW”; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kon Tum đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những "quả ngọt" Kon Tum đạt được sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị? Định hướng triển khai Nghị quyết trong thời gian tới?
Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh đối với cả nước; trong đó, Kon Tum là tỉnh cực Bắc, nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương với đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia. Ngày 18/01/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW khóa IX “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010” và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị khóa XI “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW phát triển Vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020”.
Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên; quy mô của nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 21 lần so với năm 2002; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh 2010) năm 2020 đạt 15.076 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với năm 2002 (940 tỷ đồng) và tăng gần gấp 02 lần so với năm 2011 (7.840 tỷ đồng), bình quân tốc độ tăng trưởng GRDP trong giai đoạn 2002 - 2020 đạt 10,18%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, từ 2,86 triệu đồng/người năm 2001 tăng lên 28,5 triệu đồng/người năm 2020. Thu, chi ngân sách tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 162 tỷ đồng lên 3.032 tỷ đồng, tăng gấp 18,7 lần. Tổng chi ngân sách địa phương bình quân giai đoạn tăng 16,3%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt cao và tăng qua các năm; năm 2020 đạt gần 16.500 tỷ đồng, gấp 17 lần so với năm 2002; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt 20,8%/năm.
Một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của tỉnh được quan tâm tập trung phát triển. Trong đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích đạt gần 8.000ha; diện tích sâm Ngọc Linh đã trồng được gần 1.240ha, đây là loại dược liệu quý, gắn với tính đặc thù và lợi thế so sánh của vùng núi Ngọc Linh. Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển sâm Ngọc Linh cũng như các loại dược liệu khác, phấn đấu đưa vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025.
Ngành du lịch đã có những bước chuyển biến tích cực; lượng khách tăng bình quân trên 6%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, tăng từ 6,1 triệu USD năm 2002 lên 285 triệu USD năm 2020, tăng gấp 47,6 lần.
Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc; thành phố Kon Tum ngày càng khang trang; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chí đô thị loại IV; khu hành chính huyện Ia H'Drai được đầu tư, hình thành; hạ tầng trung tâm các huyện, xã, khu dân cư được mở rộng, nâng cấp, ngày càng đồng bộ.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... được quan tâm thực hiện. Từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói nghèo trên 25% (năm 2002) đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,26%. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững.
Vừa qua, ngày 06/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW "về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022. Đây đều là những nội dung quan trọng, mang tính tầm nhìn, định hướng chiến lược dài hạn để các tỉnh trong Vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng nỗ lực thực hiện. Trong thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum sẽ sớm cụ thể hóa thông qua các Chương trình, Kế hoạch và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn tiếp và làm việc với ông Daniel Coenraad Stork - Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.Hồ Chí Minh, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus và Đoàn công tác Tập đoàn De Heus Hà Lan, Tập đoàn Hùng Nhơn, ngày 13/5/2022
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã dồn sức đầu tư xây dựng ba vùng kinh tế động lực gồm: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) và TP.Kon Tum. Đến nay diện mạo của ba vùng kinh tế đã dần hiện hữu ra sao, thưa ông?
Theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02/4/2007 của Tỉnh ủy Kon Tum “về đầu tư và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh giai đoạn 2007 - 2020”, ba vùng kinh tế động lực được hoạch định và phát triển theo hướng: TP.Kon Tum gắn với Khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai và các khu đô thị mới; Vùng kinh tế trọng điểm huyện Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và thị trấn Plei Kần; Vùng kinh tế huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen.
Qua 14 năm triển khai thực hiện, các vùng kinh tế động lực đã hình thành, cơ bản hoàn thành một số chỉ tiêu lớn mà Nghị quyết số 02-NQ/TU đã đề ra cũng như có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. TP.Kon Tum được thành lập vào năm 2009 và đến nay cơ bản hội tụ đủ các điều kiện của đô thị loại II; Khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 1) đã cơ bản đã được lấp đầy; Khu công nghiệp Sao Mai được đầu tư hạ tầng tương đối hoàn thiện (đường, điện, hệ thống xử lý nước thải tập trung,…). Thị trấn Plei Kần mở rộng, huyện Ngọc Hồi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2015. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thành lập, là liên kết của tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Hiện tỉnh đang xây dựng Đồ án quy hoạch chung đô thị Ngọc Hồi (thị trấn Plei Kần mở rộng), Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Ngọc Hồi (toàn huyện Ngọc Hồi) đạt tiêu chí đô thị loại IV và Đề án thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã Ngọc Hồi, từng bước tiến tới thành lập thị xã Ngọc Hồi. Trung tâm huyện lỵ Kon Plông đã được hình thành và từng bước phát triển, kết cấu hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư đồng bộ; thị trấn Măng Đen được thành lập vào năm 2019. Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn các vùng động lực ổn định và duy trì ở mức khá. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả nhất định. Diện mạo đô thị, nông thôn từng bước được chỉnh trang, hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn được cải thiện. Đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/9/2021 về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó thống nhất xác định TP.Kon Tum và huyện Kon Plông là vùng kinh tế động lực của tỉnh; đồng thời, đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Với sự nỗ lực cao nhất của các cấp, các ngành, các địa phương, chắc chắn các vùng kinh tế động lực của tỉnh trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh hơn và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Một góc TP.Kon Tum
Kon Tum có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và là khu vực bảo vệ môi trường sinh thái quan trọng của cả nước. Để tạo nền tảng vững chắc đưa Kon Tum vươn lên trở thành trung tâm phát triển mới của khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông được tỉnh chú trọng ra sao?
Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện và đồng bộ; mạng lưới giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Giai đoạn từ năm 2002, hàng loạt các tuyến đường, công trình huyết mạch quan trọng đã và đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở mới như: Đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh TP.Kon Tum, quốc lộ 24, quốc lộ 14C, quốc lộ 40B; các đường tỉnh 671, 675, 677, 678, đường tái định cư thủy điện Plei Krông, đường Sa Thầy - YaLy - thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - làng Rẽ (Mô Rai), huyện Sa Thầy (tỉnh lộ 674); đoạn tránh đèo Văn Rơi; đường Ngọc Hoàng – Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh;… Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng cải thiện, nâng cao, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng tỉnh nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung.
Thời gian tới, ngoài tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh, Kon Tum sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương xem xét, ưu tiên đầu tư tuyến đường cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Kon Tum - Gia Lai; tuyến cao tốc Bờ Y - Đăk Glei - Thạnh Mỹ (tỉnh Quảng Nam) thuộc tuyến cao tốc Bờ Y - Thạnh Mỹ - Đà Nẵng; đầu tư các đoạn còn lại quốc lộ 24 thuộc phạm vi hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi để tăng cường kết nối.
Tháng 9/2022, tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung cảng hàng không Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về cảng hàng không Măng Đen? Vai trò, tầm quan trọng của dự án?
Cảng hàng không Măng Đen có quy mô cấp sân bay cấp 4E; công suất thiết kế từ 3 - 5 triệu hành khách/năm; diện tích đất thực hiện dự án khoảng 350ha; tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện là từ năm 2023 - 2027.
Đây là định hướng lớn, quan trọng và thể hiện khát vọng của Kon Tum trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần kết nối với các tỉnh trong khu vực và các trung tâm, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời là dự án động lực quan trọng của tỉnh cần đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, theo ý tưởng khung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Kon Tum dự kiến sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông (thay cho điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen). Với khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên đẹp; nếu được đầu tư bài bản Măng Đen sẽ trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế. Nơi đây cũng cần có một sân bay để thúc đẩy phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách.
Trân trọng cảm ơn ông!
Công Luận (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI