KON TUM

Đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ

15:23:31 | 6/2/2023

Dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện đến nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng tỉnh Kon Tum đã quyết liệt, triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi góp phần hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Hiệu quả ban đầu

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, ngày 18/2/2022 UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 462/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ngày 18/3/2022, NHNN đã ban hành Quyết định số 422/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trên tinh thần bám sát các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 462/KH-UBND và Quyết định số 422/QĐ-NHNN, ngành Ngân hàng tỉnh đã chủ động, kịp thời triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả thiết thực.

Tính đến ngày 31/10/2022, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP, trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt doanh số cho vay 217,4 tỷ đồng với 4.182 lượt vay vốn; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đạt doanh số 59,5 tỷ đồng với 150 lượt khách hàng vay; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến và trang trải chi phí học tập đạt doanh số 8,3 tỷ đồng với 831 lượt khách hàng vay vốn; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đạt doanh số 25,2 tỷ đồng với 541 lượt khách hàng vay vốn; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch đạt doanh số 695 triệu đồng với 6 lượt khách hàng vay vốn. 

Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM), ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 về hỗ trợ lãi suất từ NHNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và NHNN ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; NHNN tỉnh Kon Tum đã kịp thời chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn tích cực triển khai và theo dõi kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Kết quả dư nợ hỗ trợ lãi suất đến ngày 31/10/2022 là 11.132 triệu đồng.


Ký kết thỏa thuận hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Đưa chính sách tín dụng ưu đãi đi vào cuộc sống

Ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Kon Tum cho biết: Để đưa gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP sớm đi vào cuộc sống, ngay từ đầu năm 2022 ngành Ngân hàng đã chủ động, kịp thời triển khai các nhiệm vụ được giao. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tăng trưởng tín dụng, an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống người dân, doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý.

Song song với đó, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid -19 theo quy định của NHNN. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng chính sách, tập trung vào các lĩnh vực lớn như: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng khó khăn,…

Đặc biệt, để ghi nhận, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ lãi suất, thúc đẩy triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN tỉnh đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Mặc dù kết quả huy động vốn tại chỗ gặp nhiều khó khăn (tốc độ tăng trưởng nguồn vốn chỉ xấp xỉ 01%) song tính đến ngày 31/10/2022, tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn đạt 42.140 tỷ đồng, tăng 9,6% (+ 3.701 tỷ đồng) so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Qua đó, góp phần giúp nền kinh tế dần khôi phục và lấy lại đà tăng trưởng.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Kon Tum sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hỗ trợ và doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung chỉ đạo các TCTD thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về tăng trưởng tín dụng, huy động vốn. Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội và chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thông qua ngân hàng chính sách xã hội theo nghị định của chính phủ và hướng dẫn của NHNN.

Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, dự án hiệu quả, vốn phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, cho vay phục vụ nhu cầu về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực, dự án khởi nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…

Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh. Theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống NHTM đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục tập trung tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi để người dân và các đối tượng được thụ hưởng hiểu rõ, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Luận Nguyễn (Vietnam Business Forum)