Thực hiện các quyết định về chuyển đổi số (CĐS) của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/02/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa Kon Tum xếp thứ 35 tỉnh, thành cả nước thực hiện tốt nhất về CĐS. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp.
Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kon Tum cho biết: Thời gian qua, việc triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh - IOC (đang thử nghiệm) đã hoàn thành tích hợp dữ liệu của 7 hợp phần và hình thành được một số cơ sở dữ liệu cơ bản về kinh tế - xã hội, hoạt động của chính quyền, y tế, giáo dục.
IOC cũng xây dựng trục kết nối, chia sẻ dữ liệu tỉnh theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, đã kết nối thành công với trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Toàn tỉnh cài đặt được 5.528 máy tính thuộc Hệ thống giám sát mã độc tập trung. Đến hết tháng 5/2022 đã phát hiện, xử lý 16.373 mã độc trên các máy tính. Trung tâm điều hành an ninh mạng của tỉnh (SOC) đã kịp thời đưa ra cảnh báo, biện pháp khắc phục các lỗ hổng mất an toàn thông tin (ATTT). Hệ thống thông tin (HTTT) báo cáo tỉnh (https://hethongbaocao.kontum.gov.vn) được triển khai đến các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời kết nối liên thông với HTTT báo cáo Chính phủ và thiết lập đầy đủ chế độ báo cáo của các đơn vị vào HTTT báo cáo của tỉnh.
Song song với đó, các cơ sở dữ liệu ngành cũng được xây dựng. Đặc biệt, có 2/8 lĩnh vực ưu tiên CĐS về quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) và các trường mầm non, phổ thông trên phần mềm SMAS (Sở Giáo dục và Đào tạo) để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục tại địa phương và đồng bộ sang hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Bên cạnh đó, công tác phát triển mạng lưới cáp quang đã cung cấp dịch vụ internet cáp quang tốc độ cao đến 100% các trung tâm từ huyện đến cơ sở; 100% xã trên địa bàn tỉnh được phủ sóng 2G, 3G, 4G; hạ tầng mạng cáp quang phủ đến 100% xã và 99,7% số thôn được phủ sóng 4G. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 66,44%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 79,79%; hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 48,33%. 100% các sở, ban ngành, UBND cấp huyện và cấp xã đã được đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao; sử dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính. 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối internet phục vụ công tác chuyên môn.
Kon Tum cũng đã hoàn thành triển khai hệ thống họp hội nghị truyền hình trực tuyến 4 cấp từ Trung ương đến huyện; trong đó các huyện Ngọc Hồi, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy đã triển khai đến xã. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đến 100% các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã và các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động thông suốt, ổn định, bảo đảm ATTT theo cấp độ.
Tính đến ngày 19/5/2022, Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Kon Tum (https://dichvucong.kontum.gov.vn) đã cung cấp 1.753 thủ tục hành chính, trong đó có: 495 dịch vụ công mức độ 2; 196 dịch vụ công mức độ 3; 1.062 dịch vụ công mức độ 4. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 1020 dịch vụ; 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện có trang thông tin điện tử và đã liên kết vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Việc triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Văn Thu cho biết: Với mục tiêu đưa Kon Tum xếp thứ 35 tỉnh, thành cả nước thực hiện tốt nhất về CĐS, thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch CĐS cho các lĩnh vực ưu tiên như: Y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, thể thao và du lịch, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng,… Hình thành đô thị thông minh ở KonPlong và TP.Kon Tum; số hóa dữ liệu trong cơ quan nhà nước phục vụ kết nối, chia sẻ; triển khai các nền tảng quản lý xã hội trên địa bàn; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp số hợp tác, đầu tư.
Ngoài ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng xác định mỗi năm sẽ ưu tiên bố trí tối thiểu 1% tổng chi thường xuyên của từng cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) để triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, đề án phục vụ CĐS, xây dựng đô thị thông minh (trong đó đảm bảo 10% chi phí đầu tư cho an toàn, an ninh mạng) của cấp mình.
Duy Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI