ĐẮK NÔNG

Ngành Nông nghiệp: Tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững

08:53:01 | 17/5/2023

Với diện tích đất tự nhiên hơn 650.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 379.000ha, khí hậu ôn hòa quanh năm, đất đai màu mỡ (đất đỏ bazan chiếm khoảng 60% diện tích), tỉnh Đắk Nông có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp với các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ,…


Hệ thống tưới nước tự động trong nhà kính trồng dâu tây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Thời gian qua, cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh chuyển đổi đúng hướng, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra với tốc độ tăng trưởng ước đạt 5,21%; giá trị sản xuất trung bình trên mỗi ha đất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng. 

Tỉnh đã chủ động cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi giá trị, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao. Đến nay đã hình thành được 04 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được công nhận, gồm 02 vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Thuận Hà và xã Thuận Hạnh huyện Đắk Song; 01 vùng sản xuất lúa xã Buôn Choa, huyện Krông Nô và 01 vùng sản xuất cà phê tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil với tổng diện tích 2.423ha và hơn 69.500ha ứng dụng một phần công nghệ cao. Qua quá trình trồng thử nghiệm, tỉnh đã xác định được lợi thế phát triển cà phê, hồ tiêu, bơ, mắc ca, trong đó mắc ca đã phát triển được hơn 1.500ha.

Bên cạnh đó, với định hướng chế biến sâu nông, lâm sản tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 193 tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất đã được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về biến đổi khí hậu, thị trường cạnh tranh gay gắt, không gian sản xuất bị thu hẹp,… tỉnh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại ngành  theo hướng nâng cao giá trị tăng gia tăng, bền vững, sinh thái. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chất lượng cao, đặc sản, gắn với địa phương để nâng cao giá trị. Tập trung phát triển cây trồng có lợi thế, cây công nghiệp như: Cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn quả như: Sầu riêng, bơ, chanh,… Có bước đi phù hợp để phát triển các cây trồng mới có triển vọng như cây dược liệu. Đặc biệt, ưu tiên phát triển nông nghiệp liên kết, ứng dụng công nghệ cao phát triển theo chuỗi giá trị.

“Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mời gọi các tập đoàn, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có tiềm năng tiến hành nghiên cứu, khảo sát, thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong tháng 06 tới đây Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh sẽ được tổ chức”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.

Hoàng Ngọc (Vietnam Business Forum)