Xác định chuyển đổi số (CĐS) là yếu tố cốt lõi để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, Bắc Ninh đã lựa chọn “tăng trưởng xanh” và “chuyển đổi số” là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm. Trong đó, CĐS là một trong những giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, đưa Bắc Ninh phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Những kết quả nổi bật
Thời gian qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), trung tâm dữ liệu tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Mạng 4G được phủ sóng rộng khắp, 100% thôn, khu phố được cáp quang hóa, an toàn thông tin được bảo đảm,...
Tỉnh đã duy trì Hệ thống thông tin một cửa điện tử tích hợp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh dùng chung cho tất cả các sở, ban, ngành có thủ tục hành chính (TTHC), 8/8 UBND cấp huyện, 126/126 xã, phường, thị trấn. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai tập trung, dùng chung cho cả 3 cấp chính quyền và cả khối Đảng, đoàn thể; đã phát huy hiệu quả cao trong quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong tháng 02/2023, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu được giao: Tỷ lệ trung bình cấp tỉnh đạt 95,13% (tăng 1,02%); cấp huyện đạt 95,90% (tăng 1,51%), cấp xã đạt 97,78% (tăng 0,77%).
Ngoài ra, Bắc Ninh đã triển khai và duy trì Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) từ năm 2019 và thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống thông tin của tỉnh với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp Bộ qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Đến nay đã kết nối với: Dịch vụ Bưu chính công ích – VNPost, Cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách, CSDL Bảo hiểm xã hội, CSDL Dân cư quốc gia, CSDL đăng ký doanh nghiệp, Danh mục dùng chung, Hệ thống hỗ trợ thanh toán DVC trực tuyến toàn quốc (PayGOV), Văn bản quy phạm pháp luật, Hộ tịch điện tử,...
Đặc biệt, Bắc Ninh là một trong 05 tỉnh đầu tiên được Bộ Công an, Bộ TTTT triển khai thí điểm kết nối thành công CSDLQG về dân cư (hiện tại đã kết nối chính thức và đưa vào sử dụng); tích hợp, kết nối cung cấp phương thức thanh toán nghĩa vụ tài chính với các TTHC về đất đai tại các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai,...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã mở rộng ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” thành kênh tương tác tổng hợp giữa người dân và các cơ quan nhà nước. Trong tháng 02/2023, tổng số phản ánh kiến nghị được tiếp nhận là 241, đã xử lý là 196, tỷ lệ xử lý đạt 81,31% (tăng 30,77% so với tháng trước).
Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết, Giám đốc Sở TTTT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Việc ứng dụng CNTT, CĐS đã từng bước tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Năm 2022, chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh Bắc Ninh (DTI) đứng thứ 4/63; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 4/63; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 7/63; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố.
Phấn đấu trong nhóm dẫn đầu cả nước về CĐS
Nghị quyết về chương trình CĐS tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành tại các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt cộng đồng của người dân. Mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh/thành phố trong nhóm dẫn đầu cả nước về CĐS.
Cụ thể, định hướng đến năm 2025, đạt 80% dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được thực hiện qua các hệ thống báo cáo của tỉnh;…
Phát triển kinh tế số đến năm 2025 chiếm trên 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 10%.
Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, đến năm 2025 hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã, 90% hộ gia đình. Cùng với đó, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; đưa tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%. Bắc Ninh đạt chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền nhằm đổi mới tư duy, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong triển khai CĐS. Nâng cao nhận thức về CĐS qua nhiều hình thức khác nhau (hội nghị, hội thảo, trên các cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội,…). Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tạo điều kiện thuận lợi; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai CĐS.
Ngoài ra, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số để thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT hoặc thuê dịch vụ hạ tầng CNTT, trang thiết bị phục vụ CĐS. Đồng thời đảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững.
Cùng với đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách/phụ trách CNTT, CĐS tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường hợp tác với các đơn vị trong việc tư vấn triển khai các giải pháp CĐS và đào tạo nhân lực CĐS.
Nguồn: Vietnam Business Forum