Nằm ở phía Nam Đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình được ví như “cửa ngõ” để đi vào các tỉnh miền Trung và phía Nam. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh triển khai hàng loạt công trình trọng điểm để hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm kết nối vùng và mở ra dư địa, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Nghị quyết số 10, ngày 14/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu tập trung đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng đảm bảo tính kết nối vùng, liên vùng, mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa và động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, thời gian qua, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm đã được khởi công xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng như: Tuyến đường Đông - Tây; đường bộ ven biển; đường ĐT482; đường ĐT477; tuyến đường nối quốc lộ 12B và quốc lộ 21B đoạn từ cầu Tu đến cầu Cọ;… Trong đó, dấu ấn nổi bật là đưa vào khai thác sử dụng 1 dự án trọng điểm quốc gia (tuyến đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn); hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án cải tạo mở rộng tuyến đường ĐT477 trước 12 tháng,...
Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Bình cho biết: Các kết quả đột phá về giao thông trong thời gian qua không chỉ làm thay đổi diện mạo, sắc thái đối với các địa phương có tuyến đường đi qua mà còn tạo ra sự kết nối đồng bộ giữa trục giao thông quan trọng của quốc gia với hệ thống giao thông của địa phương, giữa thành thị với nông thôn, giữa vùng núi với đồng bằng và vùng biển; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị và kết nối di sản văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An, Bái Đính. Thông qua đó, giúp tăng khả năng tiếp cận về y tế, giáo dục, giao lưu văn hóa của các cộng đồng dân cư, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối QL.1A với QL.10 và kết nối QL.10 với QL.12B, tỉnh Ninh Bình
Phát huy các kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành Giao thông Vận tải tỉnh sẽ đẩy nhanh hoàn thiện quy hoạch giao thông trong quy hoạch tích hợp của tỉnh, trong đó mạng lưới giao thông được quy hoạch hợp lý, có tầm nhìn dài hạn, thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ của tỉnh và xác định thứ tự ưu tiên các dự án để đưa vào kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và phối hợp với các địa phương để tập trung triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Dự án
đường sắt tốc độ cao. Tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm như: ĐT482, tuyến đường bộ ven biển, tuyến T21,... Các tuyến đường này cùng với hệ thống tuyến đường quốc lộ, đường địa phương hiện có giúp tỉnh kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam, tạo thành mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh, mở ra nhiều không gian, dư địa mới, tạo ra sự kết nối đồng bộ, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, ngành Giao thông Vận tải tỉnh sẽ kịp thời tham mưu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng) giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Chú trọng trong lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Đặc biệt, với nỗ lực chuyển sang tư duy hành chính “đồng hành - phục vụ”, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo thuận lợi, hài lòng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ngoài ra, Sở đã xây dựng và áp dụng nhiều sáng kiến trong lĩnh vực cải cách hành chính như việc tra cứu thông tin TTHC, đăng ký dịch vụ công trực tuyến bằng mã QR Code, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp công dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh qua ứng dụng mạng xã hội, hoặc gửi file hồ sơ qua email để được kiểm tra hồ sơ trước. Năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình xếp thứ 4/18 sở, ngành về Chỉ số hài lòng của người dân.
“Qua đó không chỉ củng cố lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà còn mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng xây dựng nên một Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng” ông Nguyễn Quang Minh nhấn mạnh.
Ngô San (Vietnam Business Forum)
14h, ngày 11/10/2024
Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI