Với phương châm lấy con người, chất lượng cuộc sống làm trung tâm, những năm gần đây, Ninh Bình tập trung đẩy mạnh phát triển đô thị hóa theo hướng bền vững. Tỉnh phấn đấu phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng Đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An.
Nằm ở phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km, với vị trí địa lý thuận lợi, Ninh Bình trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam - Bắc. Ngành Xây dựng tỉnh xác định công tác quy hoạch và phát triển đô thị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, những năm qua, hạ tầng đô thị tỉnh đã phát triển mạnh, các trục đường giao thông huyết mạch được đầu tư như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 10, vành đai 477, các tuyến đường qua đô thị như đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong, Lê Đại Hành, Lương Văn Thăng, một số tuyến đường của TP.Tam Điệp,... được chỉnh trang vỉa hè và trồng mới cây xanh, tạo nên đô thị TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp sáng, xanh, sạch, đẹp.
Đến nay, Ninh Bình đã hoàn thành đồ án Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cho việc quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh, các đô thị đều có quy hoạch chung, các đô thị lớn đã được lập quy hoạch phân khu, các khu chức năng đặc biệt để làm căn cứ thu hút đầu tư. Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 119/119 quy hoạch các xã nông thôn mới,… đã được hoàn thành. Ngành đang tiếp tục triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Ông Đinh Đức Hữu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 133/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, giai đoạn năm 2021-2025 toàn tỉnh có 11 đô thị, gồm 01 đô thị loại II (TP.Ninh Bình); 01 đô thị loại III (TP.Tam Điệp); 09 đô thị loại V (Thiên Tôn, Phát Diệm, Bình Minh, Nho Quan, Yên Ninh, Me, Yên Thịnh, Rịa và Gián Khẩu) và các khu vực đạt tiêu chí đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%.
Giai đoạn năm 2026 - 2030, toàn tỉnh có 14 đô thị, gồm: 01 đô thị loại II (TP.Ninh Bình); 01 đô thị loại III
(TP.Tam Điệp); 02 đô thị loại IV (huyện Kim Sơn, Nho Quan mở rộng); 10 đô thị loại V (Thiên Tôn, Yên Ninh, Me, Yên Thịnh, Gián Khẩu, Rịa, Vân Long, Gia Lâm, Khánh Thiện và Khánh Thành) và các khu vực đạt tiêu chí đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 phấn đấu đạt 50%.
Giai đoạn năm 2031-2050 toàn tỉnh có 15 đô thị, gồm: 02 đô thị loại II (TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp); 06 đô thị loại IV (huyện Kim Sơn, huyện Nho Quan, Me mở rộng, Yên Ninh mở rộng, Yên Thịnh mở rộng, Thiên Tôn mở rộng); 07 đô thị loại V (Gián Khẩu, Vân Long, Khánh Thiện, Khánh Thành, Bút, Lồng, Ninh Thắng) và các khu vực đạt tiêu chí đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2040 phấn đấu đạt 60%, đến năm 2050 phấn đấu đạt 70%.
Chương trình đã định hướng các đô thị được phân thành ba vùng đô thị hóa (vùng trung tâm, vùng phía Tây, vùng phía Đông) với chiến lược phát triển liên vùng, liên huyện được kết nối và thúc đẩy phát triển tuần hoàn dựa trên hệ thống giao thông đường bộ, đường sông và các khu trung tâm du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp khác có tính liên kết, thúc đẩy phát triển đô thị.
“Đây sẽ là tiền đề tốt tạo đà cho tỉnh tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, hòa nhịp với sự phát triển chung của Cụm đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng”, ông Đinh Đức Hữu khẳng định.
Thời gian tới, ngành Xây dựng tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị hiện hữu; phát triển đô thị đảm bảo tỷ lệ đô thị hóa theo đúng lộ trình, tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Phối hợp tốt với các ngành làm tốt công tác quy hoạch đô thị đảm bảo các yếu tố cảnh quan, kiến trúc, thẩm mỹ,… giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa thiên nhiên, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển trong thời kỳ mới.
Trong tháng 7/2023, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức hội thảo về phát triển bền vững đô thị Ninh Bình theo hướng tăng cường liên kết vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, xác định các yêu cầu quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ di sản trong giai đoạn mới để đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục; nghiên cứu các đề xuất dự án mới để lập quy hoạch chung theo định hướng tổng thể, chiến lược, có tầm nhìn phát triển dài hạn và bền vững. |
Song song với đó, tham mưu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm vật liệu xây dựng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ xây dựng mới nhằm nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian xây dựng công trình.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh sẽ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm thời gian cấp giấy phép xây dựng; cấp chứng chỉ hành nghề;… Bên cạnh đó, rà soát quy định liên quan đến hoạt động xây dựng; hoàn thiện hệ thống pháp luật và quy định về TTHC, tổ chức đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc; công bố đường dây nóng, địa chỉ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)