NINH BÌNH

Thúc đẩy thu hút đầu tư, đưa Tam Điệp trở thành vùng kinh tế động lực

08:34:00 | 17/7/2023

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Ninh Bình, Tam Điệp là thành phố công nghiệp, một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với thế mạnh công nghiệp, dịch vụ, nhất là sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu và du lịch. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị, phấn đấu sớm trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh.


Trung tâm thành phố Tam Điệp

Phát triển nhanh, bền vững

Được thành lập vào năm 1982, trải qua hơn 40 năm xây dựng, đến nay, Tam Điệp đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Ninh Bình (từ năm 2015) với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Không gian đô thị được mở rộng, từ 3 phường, 4 xã, đến nay thành phố có 6 phường, 3 xã; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được quan tâm thực hiện, có tầm nhìn xa. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư, nâng cấp.

Đặc biệt, các xã kinh tế mới trước đây của Tam Điệp (trong đó 50% thuộc xã nghèo trọng điểm) đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đang tiếp tục xây dựng trở thành xã NTM kiểu mẫu. Thành phố đã hình thành khu công nghiệp tập trung; toàn thành phố có trên 650 doanh nghiệp (trong đó có 07 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng), tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 70.000 lao động. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 67,5%; dịch vụ, thương mại 30%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 2,5%.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố đạt gần 15.800 tỷ đồng (gấp 350 lần so với năm 1983); tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 425 tỷ đồng (tăng 300 lần so với năm 1983). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm xuống còn 0,53%.

Sau 11 năm được công nhận là đô thị loại III (năm 2012), Tam Điệp đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị, phấn đấu sớm trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Hiện tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt 70,16%, diện mạo đô thị ngày càng được đổi mới, khang trang, sạch đẹp, văn minh hiện đại hơn và tiệm cận dần với các tiêu chí của đô thị loại II.

Trên cơ sở quy định về các tiêu chí của đô thị loại II và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Tam Điệp sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và hoạt động cấp phép xây dựng; huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại II, gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu; phát triển dịch vụ thương mại, du lịch,...

Bám sát các định hướng này, thành phố thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ “nâu” sang “xanh”, trong đó xác định 3 trụ cột kinh tế trọng tâm gồm “Công nghiệp, du lịch dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao”. Theo đó, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; ưu tiên thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án sử dụng đất có hiệu quả và sử dụng lao động địa phương.


Thành phố Tam Điệp luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, tận tụy, tăng cường cải cách TTHC nhằm hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức”, thời gian qua, thành phố Tam Điệp đã xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức đúng nhu cầu, sát thực tế; tăng cường kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, liêm chính, tận tụy, chấp hành nghiêm pháp luật trong thực thi công vụ.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, hàng năm, thành phố đều thực hiện rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC hàng tháng trên trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử, nhập đầy đủ các dữ liệu công dân về địa chỉ, số điện thoại; ban hành văn bản xin lỗi kèm theo kết quả giải quyết hồ sơ khi trả kết quả trễ hẹn,…

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp cho biết: Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên môi trường điện tử.

Song song với đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thành phố cũng tập trung triển khai thực hiện Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Ninh Bình năm 2023 theo đúng Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh. Năm 2023, thành phố Tam Điệp phấn đấu xếp loại tốt, đứng 3/8 huyện, thành phố về năng lực cạnh tranh.

Với thông điệp “Doanh nghiệp vì chính quyền, chính quyền vì doanh nghiệp”, bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thành phố cũng sẽ thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi đất; tăng cường đối thoại để hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ. Hàng tháng, lãnh đạo UBND thành phố duy trì gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh.

Quyết tâm và huy động sự tham gia, vào cuộc của các phòng ban, cơ quan, đơn vị trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo mặt bằng sạch phục vụ các dự án; đẩy mạnh cải cách TTHC; công khai các quy hoạch, cơ chế, chính sách trên địa bàn,… thành phố Tam Điệp sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Mặt khác, với tinh thần cầu thị, chính quyền thành phố cũng rất mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư chia sẻ những khó khăn như: Lượng TTHC phát sinh lớn, nhân sự hạn chế, các thủ tục, quy định ngày càng nhiều,… Qua đó, cùng góp phần chung tay đưa Tam Điệp ngày càng phát triển, là vùng kinh tế động lực phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình và là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Hoàng Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)