Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thị trường lao động theo định hướng tại Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ và bằng nhiều giải pháp thiết thực, An Giang đã thực hiện tốt mục tiêu phát triển thị trường lao động, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Lễ ký kết thỏa thuận chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025 giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang và VNPT An Giang
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh An Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường lao động, việc làm đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Tính đến tính đến 29/6/2023, có 36 DN phải cắt giảm lao động (chủ yếu ở các ngành may mặc, da giày), số lao động bị ảnh hưởng việc làm là 10.558 người, trong đó thôi việc, mất việc làm là 4.720 người, tạm hoãn hợp đồng lao động 1.438 người và giảm giờ làm việc 4.400 người. Số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp là 11.498 trường hợp, trong đó số lao động ngoài tỉnh chuyển về chiếm 60%.
Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh An Giang cho biết, tình hình thị trường lao động được Sở theo dõi và cập nhật sát sao để tham mưu cho tỉnh kịp thời các giải pháp. Từ đầu năm đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 338/KH-UBND ngày 09/05/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang. Tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đưa người lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2022 và định hướng năm 2025. Trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức triển khai Chỉ thị số 20/CT/TW ngày 02/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH cũng đã chủ động triển khai một số giải pháp như: Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các ngành liên quan trực tiếp đến thăm và nắm tình hình lao động việc làm tại một số DN có đông lao động trên địa bàn tỉnh, qua đó ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của DN để báo cáo UBND tỉnh kịp thời. Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm tình hình lao động tại địa phương, triển khai hiệu quả các mô hình việc làm, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm nhằm hỗ trợ người dân, DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm tại chỗ. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã cho vay 2.020 dự án với số tiền gần 86 tỷ đồng.
Ngoài ra, quan tâm gắn kết DN trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thông qua việc thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ sở GDNN với DN trong xây dựng chương trình đào tạo, môi trường thực hành, thực tập cho học viên và tuyển dụng lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (trực thuộc Sở LĐTBXH) đã đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kịp thời chia sẻ thông tin việc làm lên website của Trung tâm để kết nối người lao động với DN, quan tâm hỗ trợ kịp thời người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm. Qua đó, đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 22.633 trường hợp; tổ chức 09 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và 18 cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm cho người lao động tại 09 huyện, thị.
Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh An Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến vấn đề lao động. Định hướng trong thời gian tới, tỉnh An Giang luôn nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 273 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể tại Nhật Bản: 190 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 69 lao động, Hàn Quốc: 6 lao động, Ba Lan: 3 lao động, Mỹ: 1 lao động, Hồng Kông (Trung Quốc): 2 lao động, Trung Quốc: 1 lao động và Malaysia: 1 lao động. |
“Tỉnh An Giang quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thị trường lao động theo định hướng của Chính phủ. Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển việc làm bền vững, việc làm xanh gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và bố trí đầu tư; tăng cường các hình thức tín dụng để phát triển việc làm; quan tâm hỗ trợ đối tượng yếu thế tham gia thị trường lao động. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa; đẩy mạnh việc đổi mới hình thức đào tạo, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về đào tạo; từng bước phổ cập nghề cho thanh niên”, ông Châu Văn Ly chia sẻ.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, bao trùm để người lao động yên tâm làm việc, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động”, ông Ly cho biết thêm.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI