AN GIANG

Đổi mới tư duy, phương pháp quy hoạch đô thị

11:00:44 | 10/9/2023

Trong những năm qua, công tác quản lý phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.


Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh An Giang

Lấy chất lượng cuộc sống người dân làm trung tâm

Đến năm 2023, toàn tỉnh An Giang có 22 đô thị, trong đó, có 01 đô thị loại I (TP.Long Xuyên), 01 đô thị loại II (TP.Châu Đốc), 01 đô thị loại III (thị xã Tân Châu), 07 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 42% (tỷ lệ đô thị hóa bình quân của cả nước tính đến tháng 12/2022 đạt khoảng 41,7%). Tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, thương mại, giáo dục và đào tạo, đồng thời mời gọi đầu tư hình thành nhiều khu đô thị hiện đại; đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn,...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh, đô thị An Giang phát triển chưa đồng đều, kinh tế khu vực đô thị chưa thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đô thị hóa chưa gắn kết với chất lượng đô thị; môi trường đô thị chưa được cải thiện, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng còn hạn chế; việc đầu tư xây dựng còn dàn trải, thiếu điều tiết quản lý tổng thể và chưa thực sự đáp ứng với tình hình thực tế và mục tiêu đã đặt ra.

Từ những thách thức trên, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chương trình số 15-CTr/TU ngày 15/11/2022); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 558/KH-UBND ngày 30/6/2023 thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ và Chương trình số 15-CTr/TU ngày 15/11/2022.

Theo đó, một trong những yêu cầu trọng tâm về phát triển đô thị của An Giang được xác định là phải đổi mới tư duy, phương pháp quy hoạch đô thị đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy chất lượng cuộc sống người dân làm trung tâm, lấy văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Song song đó, quan điểm của tỉnh là kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các khu đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị. Tạo điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị. Xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.


Đô thị Long Xuyên

Tiếp tục mở rộng không gian đô thị

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh An Giang, vấn đề định hướng phát triển mở rộng không gian đô thị chiếm vị trí rất quan trọng trong Quy hoạch xây dựng, quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và quyết định hướng đi đúng đắn của đô thị trong cả quá trình phát triển. Do vậy, rất cần một chiến lược phát triển dài hơi gắn với việc mở rộng không gian đô thị nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh liên kết vùng.

Được biết, theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng của Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mỗi đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển đều gắn bó và quan hệ mật thiết với sự phát triển của toàn vùng, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển đô thị tỉnh nhà theo hướng ổn định, bền vững.

Cho đến nay, hệ thống mạng lưới đô thị An Giang cơ bản được hình thành và được phân bố tương đối hợp lý; việc sắp xếp mở rộng không gian, mạng lưới đô thị đã có kế hoạch và có trọng tâm. Chính vì thế, An Giang đã tạo được thế phát triển cân bằng 3 tiểu vùng trọng điểm gồm: TP.Long Xuyên (tiểu vùng trung tâm tỉnh lỵ), TP.Châu Đốc (tiểu vùng phía Tây) và thị xã Tân Châu (tiểu vùng phía Đông). Ngoài ra, còn có các thị trấn là đô thị vệ tinh với vai trò thị trấn công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao - dịch vụ làm điểm tựa phát triển, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, điều hòa tăng trưởng và phát triển các đô thị lớn hơn.

Cùng với việc mở rộng không gian đô thị, tỉnh An Giang tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, tạo điều kiện phát triển không gian đô thị nhanh, bền vững. Tỉnh đã chủ động tạo quỹ đất để mời gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu đô thị mới, quy hoạch đón đầu công trình Trung ương đầu tư trên địa bàn.

Theo dự báo, đến năm 2025 tỉnh An Giang sẽ có khoảng 2 triệu dân và là một trong những đô thị năng động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển mở rộng không gian đô thị có tính đến việc kết nối các đô thị lân cận, sự phát triển của các tiểu vùng và của vùng làm diện mạo đô thị thay đổi nhiều theo hướng ngày càng hiện đại. Chính vì vậy, việc phát triển theo 3 tiểu vùng, xây dựng các khu đô thị vệ tinh như trên được xem là hợp lý và rất linh hoạt, vừa góp phần giải quyết được tình trạng về dân số và hạ tầng vừa đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển của tỉnh, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh

Cũng như các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang đã và đang xây dựng mô hình đô thị thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền.

Hiện TP.Long Xuyên xây dựng “Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. TP.Châu Đốc ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 04/12/2019 triển khai thực hiện Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, cụ thể hóa nội dung này, Sở Xây dựng phối hợp cùng đơn vị tư vấn lập dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025” làm cơ sở triển khai thực hiện xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh cho phép các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp dễ dàng thu thập, xây dựng dữ liệu lĩnh vực mình phụ trách nhằm hiện thực hóa mô hình đô thị thông minh cho tỉnh An Giang.

Mục tiêu chung là phát triển hệ thống đô thị phù hợp với không gian kinh tế - xã hội, với điều kiện của từng địa phương, có tính chất, chức năng, bản sắc; các đô thị trở thành động lực phát triển của vùng; phát triển đô thị xanh, hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững.

Việt Văn (Vietnam Business Forum)