HÀ GIANG

Hà Giang: Nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội

12:11:28 | 18/9/2023

Với niềm tin cùng quyết tâm mới, năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang không chỉ đặt mục tiêu giữ vững ổn định, bảo đảm cân đối nền kinh tế, mà còn thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 30 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông đánh giá thế nào về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2023? Một số kết quả nổi bật những tháng đầu năm?

Những tháng đầu năm 2023, Hà Giang triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đây cũng là năm thứ ba tỉnh thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tuy nhiên với sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi, phát triển nhanh và ổn định hơn. Các chính sách, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai toàn diện, bước đầu phát huy hiệu quả. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được triển khai có trọng điểm; hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch có bước phát triển mạnh; hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Thanh Thủy  - Thiên Bảo, cửa khẩu song phương Xín Mần – Đô Long được khôi phục và chuyển biến tích cực.

Cụ thể, một số chỉ tiêu, kết quả nổi bật thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm như:

Tổ chức khởi công Dự án trọng điểm đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh; đập dâng nước tạo cảnh quan TP.Hà Giang. Các tuyến đường tỉnh kết nối liên vùng: Cải tạo nâng cấp đường Minh Ngọc – Mậu Duệ (ĐT.176B); nâng cấp cải tạo đường Yên Bình – Cốc Pài (ĐT.178); dự án PaPiu – Lũng Hồ, huyện Yên Minh. Khánh thành dự án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh Hà Giang.

Tổ chức thành công Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang, Lễ hội văn hóa ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam năm 2023 và Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai năm 2023. Công bố thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang.

Công tác lập quy hoạch tỉnh được triển khai nghiêm túc, đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua và đánh giá cao, đảm bảo tiến độ, chất lượng và có tính khả thi cao, xác định rõ được mục tiêu đột phá và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình thuộc dự án phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, nhất là triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) qua Hà Giang.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.378,4 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 7.864,5 tỷ đồng, tăng 15,83% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 148,5 triệu USD, tăng 6,7 lần so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu 102,3 triệu USD, nhập khẩu 46,2 triệu USD. Lượng khách du lịch đạt 1.418.000 người, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng đạt 28.154 tỷ đồng, tăng 1,1% so với năm 2022.

Công tác chuyển đổi số được triển khai tích cực, đồng bộ trên cả 3 phương diện: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Triển khai thực hiện Đề án 06, Hà Giang đã đưa 25/25 dịch vụ công thiết yếu lên cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 tăng 18 bậc so với năm 2021, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố, 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại được đẩy mạnh thông qua tổ chức gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư Tỉnh ủy với tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tổ chức ký kết 11 thỏa thuận quốc tế (tăng 06 thỏa thuận so với cùng kỳ năm 2022)

Các kết quả đạt được sẽ là tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đề ra, tạo thế và lực cho phát triển cả giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2022, Chỉ số PCI tỉnh Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực, tăng 18 bậc, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành. Ông đánh giá thế nào về kết quả này? Thời gian tới Hà Giang sẽ thực hiện những giải pháp đột phá nào để tiếp tục cải thiện Chỉ số PCI?

Theo kết quả PCI năm 2022, Hà Giang đứng vị trí thứ 41/63 tỉnh, thành với 64,39 điểm, tăng 3,86 điểm và cải thiện 18 bậc so với năm 2021.

Xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI chính là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng đồng bộ, toàn diện, công khai, minh bạch, bình đẳng.

Tỉnh cũng duy trì điều tra Chỉ số năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để nâng cao PCI, phấn đấu đến năm 2025, nâng bậc xếp hạng PCI từ trung bình lên bậc khá và tiến tới nằm trong Top đầu cả nước.


Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Tiềm năng chưa khai thác, vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng và quyết tâm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế,... được đánh giá, thể hiện ra sao trong Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050? Sau khi được Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch mở ra tầm nhìn, cơ hội phát triển mới nào cho tỉnh, thưa ông?

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm: Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh và bền vững trên cơ sở phát huy nội lực cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực khác, dựa trên 4 trụ cột tăng trưởng: Hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch bản sắc và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng; xây dựng phát triển các đô thị mang kiến trúc bản sắc (biên giới, núi cao, dân tộc) và hiện đại. Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh phát triển.

Quy hoạch cũng xác định chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các lợi thế so sánh. Tận dụng công nghệ số để tiếp cận, kết nối các thị trường trong nước và quốc tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống, y tế; giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong đồng bào dân tộc của tỉnh. Thúc đẩy giảm nghèo; đẩy mạnh tiến bộ và công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng; coi trọng phát triển văn hóa, đời sống và kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, các vùng khó khăn và chậm phát triển.

Một số mục tiêu quan trọng đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. Cơ cấu kinh tế: Ngành nông - lâm - thủy sản khoảng 22%; ngành công nghiệp - xây dựng khoảng 29%; ngành dịch vụ khoảng 44%; thuế và trợ cấp khoảng 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng, bằng 45% so với cả nước,...

Quy hoạch lựa chọn 3 khâu đột phá: Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Phát triển du lịch bản sắc, phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị. Tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ông có chia sẻ, cam kết gì với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh cũng như các nhà đầu tư đang, sẽ đồng hành với sự phát triển của tỉnh?

Với tôn chỉ “Chính quyền cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”, thời gian qua, Hà Giang đã tích cực cải cách thủ tục hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào ba lĩnh vực “trụ cột”: Nông nghiệp, đặc trưng hàng hóa, du lịch và kinh tế biên mậu.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các quy hoạch; triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Cụ thể, tỉnh đã thành lập Ban Thu hút đầu tư của tỉnh, tổ chức Chương trình “Cà phê doanh nhân” hàng tháng để nắm bắt thông tin, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, về thuế, đất đai, giải quyết những khiếu nại của công dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với đó, hỗ trợ đào tạo lao động; quản lý đất đai; rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành,… đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Bình (Vietnam Business Forum)