HÀ GIANG

Ngành Ngân hàng Hà Giang: Thực hiện hiệu quả mục tiêu kép

10:50:28 | 22/7/2021

Với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời triển khai nhiều giải pháp về tín dụng và lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành Ngân hàng tỉnh Hà Giang góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, NHNN Chi nhánh tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng, tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/5/2021) và cho vay mới với lãi suất ưu đãi; triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế. Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai kịp thời quy định về cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP) và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg, ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg)….

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng, triển khai hiệu quả các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 như: Gói tín dụng ngắn hạn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) bị ảnh hưởng bởi Covid-19; Gói tín dụng trung dài hạn 20.000 tỷ đồng cho vay nhu cầu nhà ở, ô tô, SXKD…; Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6.5%/năm (thấp hơn 3%-5% so với sàn lãi suất cho vay thông thường). Đồng thời, thúc đẩy giao dịch online qua các kênh giao dịch trực tuyến với nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại như: Cộng thêm lãi suất tiền gửi khi gửi tiền tiết kiệm qua kênh online, miễn phí khi khách hàng sử dụng một số dịch vụ ngân hàng điện tử; giảm tới 100% phí chuyển tiền trên các kênh ngân hàng điện tử cho các khách hàng cá nhân, tổ chức…

Đến ngày 31/5/2021, các TCTD trên địa bàn đã hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 226 khách hàng, dư nợ cơ cấu là 633,1 tỷ đồng; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 451 khách hàng, dư nợ 93,6 tỷ đồng với số tiền lãi đã giảm là 138 triệu đồng; cho vay mới ưu đãi lãi suất với doanh số cho vay là 11.058,2 tỷ đồng/46.574 khách hàng, dư nợ đến nay là 7.450,2 tỷ đồng/44.739 khách hàng; cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết số 154/NQ-CP: 09 doanh nghiệp, số tiền giải ngân 765 triệu đồng, dư nợ 765 triệu đồng; miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng với số tiền lũy kế là 253 triệu đồng; công tác an sinh xã hội cho phòng, chống đại dịch Covid-19 là 392 triệu đồng.
Trong những tháng còn lại năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng như ngành Ngân hàng cả nước nói chung vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng sẽ dần thích nghi để tìm ra những hướng đi mới, những kế hoạch phù hợp nhất để hoàn thành các mục tiêu hoạt động, hỗ trợ tối đa cho phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới NHNN Chi nhánh Hà Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả công tác tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối. Triển khai các giải pháp điều hành theo hướng tăng trưởng tín dụng đi đôi nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, các lĩnh vực ưu tiên; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn thực hiện các chính sách phát triển kinh tế của tỉnh và các nhu cầu vốn hợp pháp của người dân. Quyết liệt, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19. Tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng... hướng tới từng bước hoàn thành kế hoạch năm 2021 ở mức cao nhất.

Nguồn: Vietnam Business Forum