HẢI DƯƠNG

Ngành Tư pháp: Thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện PCI

18:56:38 | 7/10/2023

Cùng với đẩy mạnh cải cách tư pháp, ngành Tư pháp tỉnh Hải Dương còn tham mưu thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN), góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Nhận thức về pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, công tác tư pháp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội.

Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho DN

Ông Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương cho biết: Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Công tác xây dựng, góp ý, thẩm định VBQPPL được chú trọng, nâng cao về chất lượng, đảm bảo kịp thời, tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục và phù hợp với tình hình thực tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp đã thẩm định 21 dự thảo VBQPPL, đảm bảo 100% các VBQPPL được thẩm định trước khi ban hành; Sở cũng giúp UBND tỉnh tổng hợp, đánh giá kết quả công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL năm 2022, tổ chức tự kiểm tra VBQPPL do UBND tỉnh ban hành 6 tháng cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, đã tiến hành kiểm tra 40/40 Quyết định do UBND tỉnh ban hành; kiến nghị xử lý khắc phục sai sót về thể thức, kỹ thuật 17 văn bản. Thực hiện 02 đợt tự kiểm tra VBQPPL theo chuyên đề và đang thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 100% VBQPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, xác định công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ pháp lý cho DNNVV bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú.

Cụ thể, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản như: Báo cáo Bộ Tư pháp đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2026; phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý DNNVV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025,… Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan và nội dung hỗ trợ gồm: Rà soát, cập nhật VBQPPL của Trung ương, HĐND tỉnh, UBND tỉnh liên quan đến hoạt động của DN lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBQPPL, Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương. Cung cấp thông tin về pháp luật, chính sách đến DN; bồi dưỡng kiến thức và giải đáp vướng mắc về pháp luật theo đề nghị của DN.

Trung bình mỗi năm Trang thông tin điện tử của Sở đăng tải hàng trăm tin, bài, văn bản, tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật, trở thành kênh tuyên truyền pháp luật được các cơ quan, đơn vị, DN và người dân theo dõi, sử dụng, khai thác khi có nhu cầu tìm hiểu.

Cùng với đó, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp lý cho người làm công tác pháp chế của các sở, ngành, DN. Tham gia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp DN phát triển ổn định, bền vững.

Góp sức vì môi trường kinh doanh cởi mở

Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương xếp 32/63 tỉnh, thành phố với 65,22 điểm, trong đó, Chỉ số Thiết chế pháp lý do Sở Tư pháp chủ trì đạt 7,73 điểm (giảm 0,1 điểm so với năm 2021). Thời gian tới, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục bám sát yêu cầu, tham mưu tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số PCI.

Theo đó, ngành sẽ nâng cao tính chủ động, kịp thời trong ban hành hoặc tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh để triển khai thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Đối với chỉ số thành phần Tiếp cận tài liệu pháp lý, Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các VBQPPL lên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về VBQPPL, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở. Đôn đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh kịp thời cập nhật VBQPPL chuyên ngành lên trang thông tin điện tử của từng sở, ngành để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận.

Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL mới liên quan đến DN, đặc biệt là các văn bản quy định chính sách mới nhằm thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư cho DN, các chính sách về đất đai, thuế,… tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nhanh chóng. Thường xuyên nắm bắt các phản ánh, kiến nghị hoặc khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời giải quyết hoặc phối hợp, tham mưu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

“Với mục tiêu: “Luôn đồng hành, cởi mở, hỗ trợ và phục vụ tích cực người dân - DN nhanh nhất, chính xác nhất, hiệu quả nhất”, ngành Tư pháp đang tích cực đẩy mạnh, duy trì các chỉ tiêu được giao, đồng thời phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thành công các chỉ tiêu, thành phần khác. Phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương là một trong số 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất về Chỉ số PCI;  một trong 05 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất về PCI khu vực Vùng Đồng bằng sông Hồng”, ông Bùi Sỹ Hoàn khẳng định.

Lê Nam (Vietnam Business Forum)