YÊN BÁI

Phát triển nông nghiệp đặc sản, hữu cơ

10:33:58 | 20/11/2023

Yên Bái xác định nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng, là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20, ngày 20/1/2021 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 - 2025.  HĐND, UBND tỉnh cũng ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách, đề án phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản để nâng cao giá trị sản xuất.

Phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững

Theo Sở NN&PTNT tỉnhYên Bái: điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp là các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung hàng hóa và đặc sản hữu cơ như: Vùng lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha; ngô 15.000 ha; quế trên 81.000 ha; dâu nuôi tằm 1.000 ha; chè 7.000 ha; tre măng Bát Độ gần 6.000 ha; cây sơn tra gần 10.000 ha; cây ăn quả gần 10.000 ha; nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 90.000 ha; cây dược liệu 4.023 ha…

Tỉnh cũng đã có 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ, gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP như: gạo nếp Tú Lệ; chè Shan hữu cơ; bưởi Đại Minh; cam sành Lục Yên; vịt bầu Lâm Thượng; gà đen đặc sản vùng cao; lợn bản địa; sơn tra; quế hữu cơ và các loại cây dược liệu. Với vùng thấp, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực, có cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP, gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến và hệ thống vận chuyển, kho bãi. Mô hình phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, tập quán, trách nhiệm, năng lực của người sản xuất. Đồng thời gia tăng giá trị cho nông sản.

Tại huyện Yên Bình đang phát triển nghề nuôi thủy sản sạch. Nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, tạo nguồn thực phẩm sạch, nâng cao giá trị kinh tế, các doanh nghiệp cũng như cá hộ dân đã tập trung nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn VietGAP, hữu cơ; trong đó, đề cao yếu tố sinh học, an toàn với cá, bảo vệ môi trường. Anh Đào Văn Minh - Kỹ thuật viên Hợp tác xã Thủy sản Hoàng Kim (huyện Yên Bình) cho biết, nước hồ Thác Bà rất sạch, đây là yếu tố đầu tiên để nuôi được cá sạch. Về thức ăn cho cá, hợp tác xã sử dụng các loại cám chất lượng tốt, có nguồn gốc từ châu Âu như De Heus, Cargill, Mavin. Cá ở hồ Thác Bà ít bệnh tật vì được nuôi trong nguồn nước sạch nên để phòng trừ bệnh cho cá chủ yếu là dùng tỏi để ăn phòng.

Theo Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Yên Bái: Trước mắt cũng như lâu dài ngành nông nghiệp chú trọng vào việc chọn tạo, giới thiệu các loại giống, nhất là giống cây trồng có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn lọc, nhân giống và có khả năng chịu được các loại sâu, bệnh hại đã có hoặc mới phát sinh. Từ đó, giảm thiểu việc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ, sử dụng tại chỗ, giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học để cho sức khỏe cây trồng tốt hơn, tăng khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh. Cùng với đó, gắn với các giải pháp kỹ thuật, các tiêu chuẩn sản xuất và thực hành nông nghiệp tốt để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững.

Thay đổi tư duy

Yên Bái sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng chất lượng, giá trị, đồng bộ, hiệu quả, thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để Yên Bái hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Ông Trần Huy Tuấn Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Để xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững, gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đức Điển cho biết: tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, tập trung một số giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn. Tập trung xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo kế hoạch. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững. Cùng tỉnh đó, tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Bảo Đan (Vietnam Business Forum)