Sau 10 năm thành lập, thị xã Cai Lậy đang từng ngày phát triển, lớn mạnh và khẳng định vai trò đô thị động lực phía Tây tỉnh Tiền Giang. Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy – ông Trần Văn Thức đã trao đổi với phóng viên Vietnam Business Forum về hành trình 10 năm nỗ lực kiến tạo tầm vóc mới này.
Năm 2023 ghi lại dấu ấn 10 năm thành lập thị xã Cai Lậy (26/12/2013-26/12/2023), ông nhìn nhận sao về một thập niên phát triển vừa qua?
Trong 10 năm qua, với sự đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực phấn đấu, thị xã Cai Lây đã có bước phát triển vượt bậc trên nhiều mặt.
Trước hết, kết cấu hạ tầng thiết yếu đã thay đổi một cách toàn điện. Nếu như cuối năm 2016, Cai Lậy mới đạt 42/59 tiêu chuẩn trong 05 tiêu chí đô thị loại III; đến năm 2019 đạt 50/59 tiêu chuẩn thì đến cuối năm 2023 đạt 05/05 tiêu chí với 51/59 tiêu chuẩn và 81,1/100 điểm, đồng thời phấn đấu hoàn thiện 08 tiêu chuẩn còn lại và xây dựng đạt tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh vào năm 2030.
Các công trình hạ tầng khung trên địa bàn như: Tuyến tránh Quốc 1, Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Tuyến tránh ĐT.868, đường huyện 60, Lộ Dây Thép, Bờ kè Tây sông Ba Rài,... đã được đầu tư mới hoặc nâng cấp, cải tạo giúp việc giao thông thuận tiện và mở rộng không gian phát triển. Các trụ sở cơ quan chính quyền xã - phường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... cũng được xây dựng mới, cải tạo đáp ứng yêu cầu hoạt động của chính quyền đô thị và nhu cầu người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó là hệ thống cảnh quan đô thị được quan tâm chỉnh trang như: đèn chiếu sáng được lắp đặt trên các tuyến đường không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện mà còn đưa Cai Lậy “bừng sáng” mỗi đêm; hệ thống vỉa hè, cây xanh các công viên, tuyến đường được trồng mới, chăm sóc tạo bộ mặt đô thị khang trang tươi mới...
Bên cạnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách, thị đã đã mời gọi thành công 04 dự án lớn với tổng mức đầu tư 1.318 tỷ đồng, gồm Dự án Siêu thị thị xã Cai Lậy với vốn đầu tư 110 tỷ đồng, Dự án Công viên Nghĩa trang nhân dân Mỹ Phước Tây vốn đầu tư 50 tỷ đồng; Dự án đường số 4 và khu dân cư 2 bên đường vốn mức đầu tư 300 tỷ đồng và Dự án Cụm Công nghiệp Mỹ Phước Tây với vốn đầu tư 858 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều siêu thị, cửa hàng điện máy, cơ sở khám chữa bệnh - dịch vụ y tế... xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển mạnh mẽ và đưa thị xã trở thành điểm đến mua sắm của người dân các huyện lân cận.
Một thập niên qua cũng là hành trình quan tâm phát triển các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Từ năm 2014 đến nay có 481 doanh nghiệp thành lập mới, luỹ kế trên địa bàn có 514 doanh nghiệp đang hoạt động; mỗi năm có 400 hộ được cấp mới, đưa toàn thị xã có hơn 5.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Sự phát triển đa dạng, hiệu quả đóng góp nguồn thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đạt, vượt và tăng cao: Năm 2014 mới đạt 45 tỷ đồng thì đến năm 2023 đạt 181 tỷ đồng, tăng 3,98 lần.
Phát triển nông nghiệp nông nghiệp chất lượng cao luôn là hướng đi xuyên suốt. Đến nay, thị xã đã chuyển đổi thành công 3.494 ha đất lúa sang đất trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản; chỉ còn 3.000 ha đất lúa cũng đều được canh tác bằng giống chất lượng cao và hơn 90% quy trình sản xuất, vận chuyển tiêu thụ đã cơ giới hóa. Diện tích cây lâu năm từ 4.028 ha năm 2014 đã tăng lên 7.500 ha năm 2023, trong đó có 3.000 ha sầu riêng, 1.806 ha mít, 314 ha bưởi, 520 ha nhãn,... cho giá trị cao 4-8 lần trồng lúa. Thị xã hiện có 22 mã vùng trồng được cấp phép nhập khẩu chính ngạch và 14 cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng, mít sang Trung Quốc; 01 cơ sở đóng gói xuất khẩu nông sản đi Hoa Kỳ… Từ năm 2020, thị xã đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Từ đó đến nay, Cai Lậy tiếp tục quan tâm “nâng chất”, đến cuối năm 2023 được công nhận 06/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Kinh tế phát triển tạo đà cho các lĩnh vực văn hóa - xã hội ngày càng khởi sắc, an sinh xã hội đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên và tỷ lệ hộ nghèo còn 0,69%.
Sau 10 năm phát triển, Cai Lậy đang vươn dậy mạnh mẽ với những thành tựu đạt được toàn diện. Đó chính là nền tảng để thị xã tiếp tục làm bật dậy các tiềm năng, thế mạnh để bứt phá trong thời gian tới.
Ông có thể cho biết công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư đã, đang được thị xã quan tâm ra sao?
Có được sự phát triển ngày nay trước hết là thị xã đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, đặc biệt là việc ban hành, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/3/2017 về lãnh đạo xây dựng và phát triển thị xã Cai Lậy đạt chuẩn đô thị loại III thuộc tỉnh vào năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn và việc đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài thị xã. Điểm cốt lõi giúp Cai Lậy khơi thông được các nguồn lực là nhờ thị xã luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cho đến nay, các TTHC đều được công khai minh bạch tại bộ phận một cửa thị xã và UBND các xã, phường, trong đó các quy trình thực hiện được kiểm soát qua hệ thống TCVN ISO 9001:2015. Các Dịch vụ công trực tuyến toàn trình và trực tuyến một phần; tăng cường việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa chế độ báo cáo được đẩy mạnh. Thị xã cũng đã triển khai chỉ đạo vận hành, khai thác tốt các Trang thông tin điện tử thị xã, xã, phường và các Trang OA chuyển đổi số, chủ động cung cấp thông tin cho người dân và cung cấp các hỗ trợ tra cứu hồ sơ thủ tục hành chính, phản ánh kiến nghị, giải đáp yêu cầu cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp…
Thị xã cũng đã triển khai thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng, xây dựng lực lượng nòng cốt trong triển khai chuyển đổi số, gồm 535 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, 144 người dân. Các nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với CCHC được thực hiện tốt như: 100% ấp - khu phố được triển khai phổ biến chữ ký số công cộng cho người dân trong giải quyết hồ sơ hành chính trực tuyến; tỷ lệ nhân dân được hướng dẫn, hỗ trợ và thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt trên 90% (10/16 xã, phường đạt 100% và vượt so với kế hoạch, tiến độ đề ra), các tổ công nghệ số cộng đồng cũng đã hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hơn 3.000 hồ sơ Dịch vụ công trực tuyến không dùng tiền mặt… Qua đó việc CCHC và chuyển đổi số thị xã có sự tham gia của người dân cũng như cung cấp cách thức để người dân tham gia kiểm tra, giám sát, phản ánh công tác CCHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của thị xã và xã, phường.
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang mở ra cơ hội thu hút đầu tư mới nào cho thị xã, ông đánh giá sao về vấn đề này?
Theo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Cai Lậy đã xác định vai trò đô thị trung tâm tiểu vùng kinh tế - đô thị phía Tây của tỉnh, hình thành hành lang phát triển kinh tế - đô thị Cai Lậy - Mỹ Tho - Gò Công và cũng là trung tâm giao lưu kinh tế quan trọng từ vùng Nam sông Tiền và vùng Đồng Tháp Mười hướng về Thành phố Mỹ Tho và Thành phố Hồ Chí Minh…
Để phát triển theo định hướng trên, thị xã tập trung vào thu hút nhà đầu tư để tận dụng tiềm năng, lợi thế đô thị trung tâm vùng kinh tế - đô thị phía Tây tỉnh Tiền Giang, một trong các trung tâm trung chuyển quan trọng có tác động đến địa bàn các huyện Cai Lậy, Cái Bè hướng về TP.Mỹ Tho và TP.Hồ Chí Minh.
Cai Lậy cũng tận dụng tuyến sông Ba Rài chảy qua 10,5 km khu vực phía Đông của địa bàn thị xã theo hướng Bắc - Nam ra sông Tiền và kết nối với kênh 12 - kênh Nguyễn Văn Tiếp, hình thành tuyến đường thủy quan trọng vận chuyển lúa gạo phục vụ phát triển xay xát - lau bóng - kho vận.
Ngoài ra, thị xã sẽ ưu tiên thu hút đầu các khu dân cư, chợ kết hợp khu dân cư, đường kết hợp khu dân cư và khu vui chơi giải trí như: Khu dân cư Mỹ Phú, Khu dân cư Mỹ Lợi, Khu vui chơi thiếu nhi, công viên nước thị xã Cai Lậy,... và các điểm dân cư nông thôn ở các xã Nhị Quý, Phú Quý, Tân Phú,,.
Trân trọng cảm ơn ông!
Với sự chủ động, quyết liệt vào cuộc, trong năm 2023, thị xã Cai Lậy đã đạt được nhiều kết quả đáng kể như: giá trị sản xuất (giá 2010) 8.880 tỷ đồng, đạt 106,5% so năm 2022; thu ngân sách đạt 196 tỷ đồng, đạt 129,4% dự toán; xây dựng 3 trường đạt chuẩn Quốc gia; xây dựng xã Mỹ Phước Tây đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xây dựng xã Long Khánh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 99,84%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 99%; tỷ lệ rác thải, nước thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%... |
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI