KIÊN GIANG

Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho người dân, doanh nghiệp

13:23:00 | 9/1/2024

Năm 2023, ngành Ngân hàng tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; chú trọng triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH).


Ông Trần Văn Phước, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Kiên Giang

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Kiên Giang thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Tập trung tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, trong đó chú trọng cho vay nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất thị trường; giảm lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ. Thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; thông qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện Chương trình tín dụng chính sách ưu đãi và hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ; các gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản.

Với mục tiêu khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, các ngân hàng đã triển khai thực hiện nhiều sản phẩm tín dụng dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt sản phẩm với lãi suất ưu đãi, quản lý vốn vay theo dòng tiền. Đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quan hệ tín dụng với ngân hàng thông qua các chương trình kết nối, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương,… Kịp thời có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như: Cho vay mới, điều chỉnh hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN.

Theo ghi nhận của Giám đốc NHNN tỉnh Kiên Giang - ông Trần Văn Phước, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành đã giúp dòng chảy tín dụng trên địa bàn thông suốt, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phát triển KT - XH tại địa phương, không để xảy ra tình trạng khách hàng đủ điều kiện vay vốn, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng (mức tăng 6,5%), góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP 9 tháng đầu năm 2023 tăng 5,63%, cao thứ 2 từ đầu nhiệm kỳ đến nay chỉ sau năm 2022 (tăng 8,75%) - là năm phục hồi sau đại dịch Covid-19).

Mặt bằng lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm từ 0,7 - 1,9%/năm đối với lãi suất huy động VND, giảm thêm từ 0,5 - 2,5%/năm đối với cho vay bằng VND so với cuối năm 2022 (bao gồm khoản cho vay mới và điều chỉnh trước hoặc đến hạn đối với khoản vay cũ). Các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ đạt được kết quả nhất định: Cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đạt trên 800 tỷ đồng đối với 13 khách hàng, đã hỗ trợ số tiền lãi trên 2,8 tỷ đồng; Chương trình tín dụng chính sách xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội: Trên 4.700 khách hàng được vay vốn số tiền 548 tỷ đồng qua 5 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi; trên 76 nghìn món vay (số tiền vay trên 2.300 tỷ đồng) có lãi suất trên 6%/năm được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ; gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đã giải ngân 57 tỷ đồng/số tiền cam kết cho vay 300 tỷ đồng của 13 lượt khách hàng (lĩnh vực thủy sản);...

Ngoài ra bằng chính nguồn lực của mình, các TCTD đã chủ động thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp hơn 1.500 khách hàng không bị chuyển nhóm nợ, gần 25.000 khách hàng được giảm lãi suất với số tiền lãi được giảm trên 250 tỷ đồng; qua đó góp phần giảm áp lực tài chính, mang lại cho doanh nghiệp cơ hội được tiếp cận vốn vay mới khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh (nhờ được giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm ban đầu do không bị chuyển nợ).


Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kiên Giang làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn

Với sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng, hoạt động cấp tín dụng đối với nền kinh tế nói chung và địa bàn tỉnh Kiên Giang nói riêng đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, những tháng cuối năm ngành Ngân hàng Kiên Giang đang phải đối mặt với các thách thức: Cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng; nợ xấu có chiều hướng gia tăng, suy giảm tài chính của doanh nghiệp; dư địa giảm lãi suất huy động tạo nền tảng giảm thêm lãi suất cho vay không nhiều; các chương trình hỗ trợ lãi suất sắp kết thúc vào cuối năm nay,…

Để vượt qua thách thức, tận dụng hiệu quả các cơ hội hiện có (KT-XH của tỉnh đang trên đà phục hồi; hoạt động ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định,…), trong thời gian tới, NHNN tỉnh Kiên Giang tiếp tục bám sát chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN, Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Toàn ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành như: Tập trung tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các chương trình hỗ trợ lãi suất, các gói tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN); các biện pháp giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, các sản phẩm tín dụng ưu đãi riêng của các TCTD,…

Ngoài ra NHNN tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các ngân hàng tăng cường đồng hành, kịp thời tư vấn người dân, doanh nghiệp tiếp cận sản phẩm tín dụng ưu đãi, xác định việc hỗ trợ giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng tín dụng ngân hàng. "Nhìn chung trong giai đoạn hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thấp, điều quan trọng lúc này là cần tạo cầu tín dụng. Để làm được việc này, bên cạnh sự trợ lực từ ngành Ngân hàng, để có thể tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần tập trung sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường (đặc biệt thị trường nội địa), giảm chi phí sản xuất, tăng cường quản trị tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc tài chính. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện tiếp cận các chính sách tín dụng, gói tín dụng nhà ở 120.000 tỷ đồng, gói tín dụng lâm sản, thủy sản 15.000 tỷ đồng, các sản phẩm tín dụng của các TCTD. Nghiên cứu xây dựng liên kết và tìm kiếm ngân hàng tài trợ liên kết; xây dựng kế hoạch để phát triển trở thành khách hàng chiến lược của các TCTD trong tương lai" - ông Trần Văn Phước khuyến nghị.

Công Luận (Vietnam Business Forum)